Vô Thường

...tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Ảo Ảnh

Hạnh phúc?
Khi người ta trẻ, ai cũng nghĩ hạnh phúc đang chờ đợi mình ở một nơi nào đó trong tương lai. Một công việc gì đó tốt hơn hiện tại. Một môi trường sống tốt hơn lúc này. Một người tri kỷ nào đó không phải những người chung quanh bây giờ.
Nghĩ thế rồi vội vã đi. Đi rất vội. Đi mãi. Đi mãi.
Đi cho đến khi hết những tháng năm tuổi trẻ, nhưng chưa bao giờ cảm thấy mình chạm được vào hạnh phúc thật sự.
 Đã đi qua hết tuổi Thanh Xuân.
Khi không còn trẻ nữa, người ta lại quả quyết, hạnh phúc chính là những năm tháng khi người ta còn trẻ. Những ngày đã ở lại phía sau lưng. Những ngày không còn nữa. Những ngày Thanh Xuân đã mất đi.
Lúc trước mặt.  Lúc đã lùi lại sau lưng.
Hạnh phúc cứ xa xôi như một ảo ảnh, mãi mãi không chạm vào được.

Phố Hương.22.9.2014

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Tha Thứ

Cuối cùng, "tha thứ là một lời hứa"
Hứa ko nhìn ngày hôm qua bằng ánh mắt cũ nữa.
Hứa sẽ tìm thấy giá trị từ những tổn thương, 
Hứa dù có thế nào, sẽ lại một lần nữa mỉm cười với những gì mình đã tin tưởng.


Sài Gòn.22.8.2014

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Cuộc Sống

Cuộc sống là một vòng tròn khép kín.
Tạo hóa cho chúng ta đôi tay để cầm, để nắm, nhưng trong cuộc sống, có rất nhiều thứ chúng ta không thể giữ lại được bằng đôi tay.
Tạo hóa cho chúng ta đôi chân để đi, nhưng với đôi chân khỏe nhất, chúng ta cũng không thể đi qua hết những nhọc nhằn, cũng như không thể đi đến tận cùng những yêu thương.
Và tạo hóa đã cho chúng ta một trái tim để làm những việc mà đôi tay và đôi chân không bao giờ có thể làm được. Một trái tim biết bao dung sẽ chỉ đôi tay cách giữ lại những yêu thương. Một trái tim biết san sẻ sẽ chỉ đôi chân cách đi đến tận cùng những yêu thương trong cuộc sống.
Cho đi những yêu thương là cách duy nhất để chúng ta giữ lại được yêu thương. Cuộc sống là một vòng tròn khép kín, chúng ta sẽ nhận lại những gì mình đã bỏ ra. Mỗi chúng ta, khi quá nhọc nhằn, ai cũng sẽ cần đến sự bao dung từ cuộc sống. Để được cuộc sống bao dung, chúng ta phải biết bao dung với cuộc sống.
Thế giới càng ngày đông hơn, chật chội hơn. Nhưng con người lại trở nên cô độc hơn bao giờ hết. Thế giới chật chội, nhưng vẫn mênh mông đến vô tận, khi người ta đi đến kiệt sức nhưng chẳng chạm được vào ai.


Vô Thường 
Chùa Bé Bé. 9.8.2014
Om Mani Padme Hum

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

SỐNG












SỐNG


Biển đã bắt đầu vào mùa mưa bão...

Lâu lâu, Vô Thường muốn về ngôi làng duyên hải ngày xưa vào ngày biển động....
ngày biển động, bãi biển rất vắng, biển lấn sâu vào bờ cát, biển rộng ra, mênh mông, trắng xóa nỗi niềm...
ngày biển động, chỉ những chiếc thuyền lớn vững chãi với những ngư dân lão luyện nhiều kinh nghiệm mới dám ra khơi...
những chiếc thuyền nhỏ được ngư dân đẩy lên bờ, nằm ngủ...

khi được đẩy lên bãi bờ, những chiếc thuyền nhỏ sẽ được an toàn, nhưng chúng đang sống những ngày rất vô nghĩa... những đứa con của Biển luôn nghĩ như vậy...

an toàn nhưng vô nghĩa...

cuộc sống của những chiếc thuyền là ngoài kia...

ta về vào ngày biển động
để thấy...
để nghe...
rồi đi....


[cười]
Vô Thường 
chùa Bé Bé...Phố Hương....
[...Om Mani Padme Hum...]

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Tháng 8

Đã là tháng 8.
Cánh đồng sau làng đã phủ đầy hoa dại, ta vẫn nhớ, không quên. 
Tháng 8 về, ta lại nhận ra mình rất thương loài hoa dại, là một người tu sĩ có lẽ cũng nên như vậy, nuôi lớn trong lòng những Yêu Thương Không Sở Hữu, Yêu thương thật nhiều nhưng không bao giờ cố giữ lại cho riêng mình, thứ gì cũng vậy, thứ gì người ta càng điên cuồng giữ lại cho riêng mình thứ đó càng dễ mất đi.
Hoa dại, không là của ai cả. 
Hoa cỏ đại chẳng phải loài hoa đem nhét vào chậu, để ở góc sân.
Tội lắm.
Hoa dại đủ mạnh mẽ, không cần đến bàn tay con người chăm sóc nhưng không bao giờ lỗi hẹn. 
Khi mùa mưa về, chúng trở mình, gọi nhau thức giấc; rồi tựa vào nhau lớn lên qua những ngày mưa bão để tháng 8 còn ra hoa, đến những ngày cuối năm, mất nước, vàng úa, kiệt sức gục xuống, vẫn cố vùi vào đất những hạt mầm bé tí chờ mùa mưa sang năm.
 bao năm vẫn vậy, không bao giờ lỗi hẹn.
tháng 8 lại ra hoa, mặc cho người có về hay không.
Hoa dại luôn đủ mạnh mẽ để có thể để lại một chút hương nhẹ trên người những kẻ vô tình đi ngang đồng cỏ và giẫm nát chúng.
 ta sẽ về, tìm mảnh đất thật to [cười], làm ngôi chùa thật bé [lại cười], "vừa một bàn chân", để tháng tám phủ đầy hoa dại [mặc cho người đã về và không đi nữa].


Phố Hương.1.8.2014


Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Rỉ

Lời Kinh trong lòng bàn tay:
"Những đốm rỉ sét sinh ra từ thanh sắt rồi dần dần lớn lên làm mục nát cả thanh sắt.
Những thái độ sống không thiện lành, những hành động không thiện lành sinh ra từ tâm của mỗi người rồi dần phá nát cuộc đời họ".(1)
Những lỗi lầm vẫn chưa trở nên đáng trách, chưa trở nên đáng sợ mãi cho đến khi người ta từ chối sửa chữa nó.
Lỗi lầm trở nên đáng sợ hơn sau mỗi lần từ chối sữa chữa.
Ánh mắt dửng dưng là đó, ánh mắt đầy từ tâm nhìn người cũng là đó.
Đôi tay làm người tổn thương là đó, và đôi tay chắn gió che mưa cho người cũng là đó.
Đôi chân giẫm đạp lên người để được đứng cao hơn là đó, và đôi chân đi với người qua bão giông cũng là đó.
Trái tim cay nghiệt với người là đó, và trái tim bao dung người cũng là đó.
Cách nhau một lần nhìn lại, không để "đốm rỉ sét" lớn thêm.

Chùa Bé Bé.13.7.2014
_____________________________
[1] Viết lại từ câu kinh Pháp Cú 240

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Lệch

Ngày xưa.
Chiếc la bàn từ là thứ không thể thiếu trong những chuyến vượt biển, để xác định hướng đi. Người Trung Quốc phát minh ra chiếc la bàn từ, và đặt cho nó tên gọi "Kim Chỉ Nam"
Và ngày ấy, người ta cũng đã biết, khi có một thỏi sắt bé bé nằm gần chiếc la bàn từ, kim la bàn sẽ bị lệch. Nếu không phát hiện ra sự tồn tại của thỏi sắt; chỉ nhìn vào kim la bàn rồi đi, người ta sẽ đi lệch hướng. Cuộc hành trình càng xa, độ lệch càng lớn. 
Xác định cho mình một hướng đi, là quan trọng. Trang bị cho mình một chiếc la bàn để không bị lạc, là quan trọng. Và lâu lâu, nhìn lại, xem thử ta có đeo mang bên mình "thỏi sắt rỉ" nào không, đó cũng là điều rất quan trọng, cuộc hành trình càng xa, độ lệch càng lớn, và người ta chẳng còn thời gian để quay trở lại.


Chùa Bé Bé.8.7.2014

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Thỏi Sắt Rỉ

Ngày xưa.
Chiếc la bàn từ là thứ không thể thiếu trong những chuyến vượt biển, để xác định hướng đi. Người Trung Quốc phát minh ra chiếc là bàn từ, và đặt cho nó tên gọi "Kim Chỉ Nam".
Và ngày ấy, người ta cũng đã biết, khi có một thỏi sắt bé bé nằm gần chiếc la bàn từ, kim la bàn sẽ bị lệch. Nếu không phát hiện ra sự tồn tại của thỏi sắt; chỉ nhìn vào kim la bàn rồi đi, người ta sẽ đi lệch hướng....cuộc hành trình càng xa, độ lệch càng lớn... 
Nhất định
Xác định cho mình một hướng đi, là quan trọng...
Trang bị cho mình một chiếc la bàn để không bị lạc, là quan trong.
Và lâu lâu, nhìn lại, xem thử ta có đeo mang bên mình thỏi sắt rỉ nào không, đó cũng là điều rất quan trọng, cuộc hành trình càng xa, độ lệch càng lớn... và người ta chẳng còn thời gian để quay trở lại..

Vô Tường
Sài Gòn.7.7.2014
[...Om Mani Padme Hum...]

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Sửa Lại Cánh Buồm

Vô Thường sinh ra trong một ngôi làng duyên hải miền Trung. Phần nhiều người dân trong làng làm nghề biển. Nhà Vô Thường không theo nghề biển, vì Bố không muốn sát sinh.
Vô Thường vẫn còn nhớ, ngày ấy, những chiếc thuyền trong làng đều là thuyền buồm, lũ nhóc Vô Thường chiều chiều lại rủ nhau lên đồi cát sau làng đón thuyền về. Chúng tớ có thể nhận ra từng chiếc thuyền từ rất xa qua màu cánh buồm, buồm màu đỏ là thuyền của nhà này, buồm ca-ro là thuyền của nhà kia.
Ngôi làng nhỏ chiều chiều lại lao xao. 
Tớ muốn kể cho mọi người nghe một câu chuyện khác.
Rằng những cơn gió biển chẳng bao giờ thổi mãi một chiều; chúng đổi thay liên tục. Và rằng, những người con của biển chẳng bao giờ mất thời gian ngồi than trách gió đổi chiều.
Những người con của biển, đưa tay ra, để nghe hướng gió, rồi sửa lại cánh buồm, buộc lại sợi dây, để cánh buồm có thể hứng được nhiều gió nhất từ cơn-gió-đã-đổi-chiều. và lên đường.
Suốt bao năm, gió đổi chiều từng mùa, từng ngày. những chiếc thuyền buồm vẫn đi-về trên một lộ trình đã định.
Cuộc sống luôn đầy những cơn gió chướng. 
đổi chiều liên tục 
Khó lường và chưa bao giờ ngừng thổi. Chẳng có người con của Biển nào lại than trách gió biển đổi chiều cả. Những người con của biển sẽ đưa ta ra, nghe hướng gió rồi sửa lại cánh buồm, buộc lại sợi dây, và lên đường.


Vô Thường
Chùa Bé Bé.30.6.2014

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Cổ Tích

Trong những câu chuyện cổ tích ngày xưa, thường có Phù Thủy già ác độc, sống một mình, trong ngôi nhà hoang, giữa rừng sâu với chú mèo mun, cô độc.
Ngôi nhà lạnh, đôi mắt lạnh, trái tim lạnh, nơi hơi ấm của tình người không len tới được. 
Có lẽ cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, tớ luôn muốn đọc được những dòng kết thúc câu chuyện là cảnh Phù Thủy Già bị chết, biến mất hoàn toàn khỏi cõi đời này, để cái ác không còn nữa, để không còn ai làm tổn thương những con người hiền thật hiền. 
Lớn lên mới biết cái ác không dễ gì biến mất, vì nó luôn lẩn khuất đâu đó trong lòng của mỗi người, và tổn thương lớn nhất của con người lại chính là những điều người ta tự gây ra cho mình bởi chính những nông nổi của họ. Nên thấy rất xót xa khi phải giết chết đi một con người chỉ để xóa đi cái ác. 
Sao chỉ có những người luôn tìm mọi cách nghiền nát vụn cả một trái tim chỉ để xóa đi những tối tăm lạnh lẽo chất chứa trong đó mà không có ai cố đào sâu trong trái tim lạnh đó tìm một đóm lửa nhỏ rồi cẩn thận nhóm lên thành bếp lửa to? Sao không có ai đem ánh sáng để trừ bóng tối, đem ấm ấp trừ đi giá lạnh? Sao chưa từng gặp một người có đôi tay thật ấm, gói ghém cẩn thận và mang hơi ấm của tình người đến lấp đầy ngôi nhà hoang trong rừng sâu, để ngôi nhà không còn lạnh, đôi mắt không còn lạnh, trái tim không còn lạnh lẽo tối tăm.
Sao không có ai mang hơi ấm đến nơi cần nó nhất.?
Không có ai.


Vô Thường 
Chùa Bé Bé.7.6.2014

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Cỏ Dại

Sài Gòn tháng 8, ven đường đi về, cũng có những khóm hoa dại. Giữa Sài Gòn xô bồ, lũ hoa dại cứ ngơ ngác như người đi lạc. 
Chiều qua về, mưa, nhìn lũ hoa dại tựa vào nhau, bất giác muốn rủ chúng về cùng.
"Về không em? về với Vô Thường, về ở trong vườn chùa, về ở với một người bao năm rồi cũng còn đi lạc."


 Chùa Bé Bé.30.8.2014

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Sen Tháng 5

Tháng 5, Saigon đón một mùa sen về phố.
Sen về giữa phố rộng xôn xao. Sen về giữa căn phòng nhỏ của những người thương sen thật nhiều. Ở đâu sen cũng bình thản mỉm cười hát một câu kinh. 
Cuộc đời sen là một trang kinh. Chiếc lá sen non cuộn tròn vừa thoát khỏi bùn, tinh khôi, hát câu kinh “vô nhiễm”, bất cấu bất tịnh. Chiếc lá sen trưởng thành, vững chãi, hát câu kinh “buôn xả”, không bao giờ để những giọt sương đêm thấm lạnh lòng. Những đóa sen về phố, mong manh, bình thản hát câu kinh “vô thường”. Chiếc gương sen già, tự tại, hát câu Lục Tự Đại Minh, Om Mani Padme Hum, rồi mở lòng ra, cúi xuống, gieo chiếc mầm sen trở lại cuộc sống.
Sen về. Mang theo về phố những nụ cười. Mang theo về phố những câu kinh. Phố nghe lòng mình bớt ngổn ngang, rồi phố tin lòng mình cũng có thể bình yên.
Có những nụ cười đủ sức thuyết phục người khác tin rằng, dù thế nào, lòng mình cũng thể bình yên.


Vô Thường
Chùa Bé Bé.9.5.2014.

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Chùa Bé Bé

Chùa đang xây. 
ngày nào Vô Thường cũng chạy loăng quăng đi mua nhiều thứ để làm. Mọi người chung quanh tư vấn, rất nhiệt tình, phải mua thứ này, phải mua thứ này, không được mua thứ kia, không được mua thứ kia, thứ ấy lỗi thời rồi, cũ rồi, làm ngôi chùa mất giá trị.
đương nhiên Vô Thường rất sợ ngôi chùa mình sống mất giá trị.
nhưng càng sợ hơn khi giá trị của ngôi chùa lại được tính bằng mớ vật chất linh tinh, mà không phải từ TÀI, ĐỨC của những người tu sĩ đang sống ở đó.
có ngôi chùa bé bé đang lớn dần trong lòng Phố Hương.


Vô Thường
Chùa Bé Bé.22.5.2014

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Vị Mặn Cuộc Sống

Cơn mưa sớm đi ngang qua khu rừng trúc rất nhẹ, để lại dấu chân trong veo trên những chiếc lá non. Mặt trời lên. Trời trong.
 Mới sáng sớm, khi Gautama chuẩn bị đắp y mang bát vào thành khất thực, đã có khách đến nhà. 
Ngôi nhà bé bé trong khu rừng trúc sáng nay đón người khách đến từ xa thật xa.
- Hôm nay Gautama không phải vào thành khất thực! Con có mang thức ăn đến cho Gautama. Gautama ở nhà một ngày với con! 
Gautama mỉm cười. Người khách xa, lâu lâu lại đến, ở với Gautama một ngày rồi về.
- Chỉ cần nhìn thấy ánh mắt của Gautama con lại biết mình không cô độc. Con lại thấy mình đủ sức đi qua hết những nỗi buồn.
- …
- Cuộc sống ngoài kia khắc nghiệt.
Người khách hướng ánh mắt về nơi thật xa. Nơi đó có gia đình, có những con người mình yêu thương, có công việc, có tiếng cười và cả tiếng thở dài.
- Cuộc sống đôi lúc mặn chát, mặn đến tê cứng cả lưỡi. 
Gautama mỉm cười. Ánh mắt sáng, thật hiền. 
Khách cũng cười, bối rối.
- Con lại chưa thuộc bài rồi. 
Ngày trước cũng câu nói này.

***
- Cuộc sống đôi lúc mặn chát, mặn đến tê cứng cả lưỡi. 
Gautama mỉm cười. 
- Cuộc sống vẫn vậy. thế này, cho một hạt muối vào ly nước; cũng lấy một hạt muối như thế cho vào chậu nước. Nước trong ly chắc chắn sẽ mặn chát. 
- ...
- Nước trong chậu như chẳng thay đổi gì nhiều. 
- ....
- Hạt muối như cuộc sống.
- ....
- Cuộc sống có mặn hay không sẽ tùy thuộc vào lòng bao dung của chúng ta đối với nó. Lòng bao dung càng hẹp cuộc sống càng mặn.

***
Chiều, người khách về, tiếng lao xao từ làng vọng ra lớn dần theo từng bước chân. Những âm thanh cuộc sống. Lũ trẻ lùa bò về làng, tung lên lớp bụi mờ.
Người khách đi xuyên qua lớp bụi hồng, đôi chân thật nhẹ!()


Vô Thường.
Chùa Bé Bé.18.5.2014
_____________________________
[1] Viết lại từ một ý trong kinh.

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Lòng Người

Em hỏi, thứ gì khó giữ lại nhất? Tôi nói, lòng người.
Em hỏi, thứ gì dễ giữ lại nhất? Tôi nói, cũng là lòng người.
Có đi đến đâu, khi đưa tay ra, tôi luôn chạm được ai đó, những con người suốt bao năm vẫn ở ngay bên cạnh mình. Những người bao năm vẫn vậy.
Nhưng có ngày, tôi thấy mình như người đang đuổi theo dòng sông, đuổi mãi, chạy mãi, đến tận cửa biển, rồi bất lực ngồi nhìn nước trôi qua tay, đổ hết ra biển.
Lòng người vẫn luôn là thứ dễ đánh mất nhất. 


Vô Thường
Chùa Bé Bé.12.5.2014

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Nhân Quả

Khi tin vào nguyên lý nhân quả, người ta sẽ tin cuộc sống chẳng cho không ai thứ gì, và cũng không phải vô cớ mà lấy mất đi của ai một thứ gì.
Thì chọn lựa, thì mặc cả, thì trao đổi. 
Ngày xưa, ở quê.
Lũ trẻ chúng tớ vẫn hay để dành đôi dép nhựa bị đứt ở góc nhà; với vài đôi dép đứt bé tí, lấm lem bụi đất ấy chúng tớ có thể đổi được một que kem. Giá của đôi dép đứt. Giá của một que kem.
Nhiều khi lại hỏi, phải đổi thứ gì, phải đổi bao nhiêu. mới có thể nhận được sự bình yên thanh thản trong tâm hồn từ cuộc sống? Phải đổi thứ gì, phải đổi bao nhiêu mới đủ?! Giá của sự bình yên trong tâm hồn là bao nhiêu?!
Mạnh mẽ và bao dung chăng? Đủ lớn, để khắc chế được những cơn bão bên ngoài và bên trong lòng mình.
Có lẽ là như vậy. Cái giá của sự thanh thản bình yên trong tâm hồn. Thử mặc cả với cuộc sống xem có đổi được không?! 


Vô Thường
Chùa Bé Bé.6.5.2014

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Mùa Hoa Sao Dầu

Cuối tháng Tư.
Sài Gòn đón mùa hoa Sao Dầu về xoay nghiêng phố. Hoa Sao Dầu không sắc không hương, chỉ đẹp trong sát na lìa cành. Xoay tít. 
Nhìn những cánh hoa Sao Dầu trong Phố Hương xoay nghiêng nghiêng giữa một chiều nhiều gió, anh nghe lòng mình bình thản như đang đọc một câu kinh. Câu kinh vô thường.
Cuối tháng Tư. Những cánh hoa Sao Dầu chép những câu kinh vô thường treo khắp phố Hương.
Nhìn những cánh hoa Sao Dầu tháng Tư thanh thản xoay xoay hát câu kinh vô thường, anh nghĩ chúng đã sống những ngày thật trọn vẹn, để không có gì phải tiếc nuối trong sát na chia li.
Vì đôi khi. Có những đêm anh không dám ngủ, cũng chỉ vì không đủ can đảm để kết thúc một ngày, một ngày đã sống chưa trọn vẹn.


Vô Thường
Chùa Bé Bé. 27.4.2014

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

SỬA LẠI CÁNH BUỒM, BUỘC LẠI SỢI DÂY...

















SỬA LẠI CÁNH BUỒM, BUỘC LẠI SỢI DÂY..



Vô Thường sinh ra trong một ngôi làng duyên hải miền Trung... Phần nhiều người dân trong làng làm nghề biển. Nhà Vô Thường không theo nghề biển, vì Bố không muốn sát sinh...

Vô Thường vẫn còn nhớ, ngày ấy, những chiếc thuyền trong làng đều là thuyền buồm... lũ nhóc Vô Thường chiều chiều lại rủ nhau lên đồi cát sau làng đón thuyền về. Chúng tớ có thể nhận ra từng chiếc thuyền từ rất xa qua màu cánh buồm… buồm màu đỏ là thuyền của nhà này, buồm ca-ro là thuyền của nhà kia…

Ngôi làng nhỏ chiều chiều lại lao xao…

Tớ muốn kể cho mọi người nghe một câu chuyện khác…

…rằng những cơn gió biển chẳng bao giờ thổi mãi một chiều; chúng đổi thay liên tục. Và rằng, những người con của biển chẳng bao giờ mất thời gian ngồi than trách gió đổi chiều…

Những người con của biển, đưa tay ra, để nghe hướng gió, rồi sửa lại cánh buồm, buộc lại sợi dây, để cánh buồm có thể hứng được nhiều gió nhất từ cơn-gió-đã-đổi-chiều… và lên đường…

Suốt bao năm, gió đổi chiều từng mùa, từng ngày… những chiếc thuyền buồm vẫn đi-về trên một lộ trình đã định…

Cuộc sống luôn đầy những cơn gió chướng…
đổi chiều liên tục
khó lường…
và chưa bao giờ ngừng thổi..

chẳng có người con của Biển nào lại than trách gió biển đổi chiều cả…
những người con của biển sẽ đưa ta ra, nghe hướng gió rồi sửa lại cánh buồm, buộc lại sợi dây
...và lên đường…



/cười/
VÔ THƯỜNG
Sài Gòn.30.6.2014
[...Om Mani Padme Hum...]

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Hai Người Lạ













[cuộc sống nhìn từ ô cửa Thiền]
HAI NGƯỜI LẠ


Chú về khu phố nghèo này vào một ngày cuối năm… chỉ một mình… Mọi người tất bật chuẩn bị ngày tết, biết bao nhiêu là việc, rảnh tay, chỉ muốn lăn quay ra ngủ. Chẳng ai quan tâm đến người hàng xóm mới về.

Thế cũng hay, chú thích được như thế. Thích được sống yên tĩnh một mình. Chú chưa bao giờ nói với ai về quá khứ của mình. Có ai hỏi, chú chỉ cười… Rồi mọi người cũng quen, không hỏi nữa… Hàng xóm chỉ biết đó là một người có đôi mắt thật hiền, đôi mắt biết nói, biết cười thật vui…

Chú đi làm gần như quanh năm, ngày nào cũng thế, sáng đi thật sớm đến tận tối mới về… Công việc của chú chẳng giống ai: chú lái xe chở những người vừa qua đời, nhưng không có người thân, trong các bệnh viện đến nơi hỏa tán…

Chết đã buồn, chết không có người thân bên cạnh lại càng buồn hơn. Buồn đến tàn nhẫn…

Người đi về nơi xa thật xa… không người đưa tiễn, chẳng có một cái vẫy tay, không một tiếng thở dài, không một giọt nước mắt… Người đi chẳng muốn trở lại, chẳng muốn có kiếp sau…

Một chiều nọ… sau khi chuyển mấy chiếc quan tài xuống, mọi người ngạc nhiên khi thấy trên xe có một bé gái ngồi thu lu trong góc.

Bé lên xe khi người ta chuyển xác của bố lên. Bé chẳng có nơi để đi, chẳng còn chỗ để về; căn nhà trọ bé tí giờ xa vô tận… Nơi đó không còn là của bé nữa…

Ngoài bố, bé chẳng có người thân. Từ nhỏ đến giờ chẳng có người thân nào đến thăm hai bố con, và hai bố con cũng chẳng đi thăm ai. Bé không có mẹ, bố chưa bao giờ kể cho bé nghe về mẹ. Và bé cũng chưa bao giờ nghe bố kể quá khứ của bố, cái đoạn trước khi có bé ấy. Bố như một người không có quá khứ.

Và chiều nay… người-không-quá-khứ ra đi, để người-không-tương-lai ở lại...


Chú đưa bé lên trước, ngồi chung với mình. Đường Sài Gòn buổi tối đông nghẹt người, hối hả hối hả, chẳng ai buồn quan tâm đến người bên cạnh…

Chú đưa bé đi ăn, bé ăn ngon lắm, nhưng đôi mắt vẫn thật buồn, thật tối… Chú để xe lại gara, hai người đi bộ về nhà, chỉ cách con đường kia thôi… Sài Gòn thật lạ, chỉ cách con đường và mấy khúc quanh, đã như bước vào một thế giới khác.

Khu phố lao động nghèo phần nhiều đã ngủ, ngủ sớm để mai còn đi làm sớm.

Bàn tay sần sùi to bè, cầm lấy bàn tay bé nhỏ lem luốc. Hai người đi cạnh nhau… ngọn đèn đường bám đầy bụi, hắt ra thứ ánh sáng mờ mờ nhạt nhạt… chỉ vừa đủ soi sáng lối đi dưới chân hai người…


Vô Thường 

p/s: một entry viết từ ngày xửa ngày xưa...

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Về














[cuộc sống nhìn từ ô cửa Thiền]
VỀ


lâu lâu lại thèm một chuyến xe đêm.... lên xe, về nhà, không báo trước...
Sài Gòn - Phan Thiết, 200km
để được đứng nhìn ngôi nhà tựa mình vào đêm, bình yên.
để được gõ cửa..
để được nghe tiếng bước chân của Mẹ...
để được nghe: "ai đó?"
để được trả lời: "con đây, con đã về..."

để sớm mai lại được ngồi dưới hiên nhìn đám mây trắng an nhiên vắt trên đỉnh núi sau làng... bao năm vẫn vậy!


Vô Thường 
Sài Gòn.5.4.2014

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Nhận

Lời Kinh trong lòng bàn tay:

"Người đời tàn phá cuộc đời mình bằng chính những hành động không tốt của họ, một ánh mắt dữ, một lời nói ác, một hành động không lành sẽ quay trở lại, như trái cây khi chín sẽ tự rụng xuống.”. (1)
Tháng 4, nơi đây, những ngày cuối cùng của mùa nắng. Thỉnh thoảng, bắt đầu có cơn gió nam mang theo hơi nước thổi về, đã nghe trong nắng tháng 4 hơi thở của mưa, rất nhẹ. Nhưng vẫn chưa mưa, con đường đất nhỏ lại mịt mù khi có người vội vã qua. Bụi bay lên, bám vào chân, vào tóc của những con người vội vã.
Cuộc đời như con đường đất tháng 4 nơi đây, đầy bụi, nên xưa nay vẫn gọi nơi đó là chốn bụi hồng (hồng trần). Khi đi qua chốn bụi hồng với những bước chân không nhẹ, là chúng ta đang tự làm bẩn cuộc đời mình. 
Một ánh mắt dữ, một lời nói ác, một hành động không thiện lành là những bước chân mạnh bạo, tung bụi làm bẩn chính mình.
Người ta bẩn không phải do cuộc đời đầy bụi.
Hạnh phúc của đời người không phải chỉ tính bằng những niềm vui đang có mà còn tính cả cách chúng ta đã làm thế nào để có được niềm vui đó. 
Có kẻ cũng đi, cũng đến, nhưng chẳng còn là mình của ngày xưa, đầy bụi.

 Chùa Bé Bé.2.4.2014
_____________________________
[1] Nguyên Hán văn: 自作惡所害,如果熟自墮。 Dòng thứ 5, khung thứ nhất, trang 628, bộ kinh mang mã số 0026, 中阿含經, tập 1 大正新脩大藏經。

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.