Vô Thường

...tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Bọt Bèo

Ngày trước...
Từ ngôi chùa nhỏ, có hai đường để vào trong trung tâm thành phố. Đi ngõ cầu Saigon, hoặc qua phà Thủ Thiêm.
Vô Thường vẫn thích đi phà hơn. Chen lấn một tí, chờ đợi một tí, tốn tiền một tí, nhưng lại được đi thuyền (thực ra là đi phà!!!) trên sông Saigon. Rất thích. Sông Saigon quanh năm nước đỏ đục, không như con suối sau ngôi làng nhỏ ngoài quê. Nhưng bù lại, thỉnh thoảng, trên sông Saigon có thể bắt gặp những mảng lục bình trổ bông tím biếc.
Có hôm, phà va vào đám lục lớn. Mảng lục bình nát ra thành nhiều mảnh. Những mảng giữa dòng, nước chảy mạnh, trôi thật nhanh. Chẳng mấy chốc khuất sau khúc quanh trước Bến Nhà Rồng. Những mảng bị đẩy vào ven bờ, thủng thỉnh lặng lẽ trôi. Nhìn cảnh đó, cảm thấy rất nặng lòng. Không biết, sau này chúng còn cơ hội gặp nhau nữa hay không? Chặng đường phía trước dài thế kia, nhưng có lẽ chúng sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. 
Thế là buồn, nghĩ ngợi lung tung. Mỗi lần thấy lục bình, thấy những cánh bèo lênh đênh trên nước, là như thấy ánh mắt thật buồn của cuộc chia ly; như nghe tiếng thở dài bất lực khi không thể cưỡng lại nổi trước sự xô đẩy của cuộc đời. Và như thấy những phận người lam lũ bọt bèo khắp nước kéo về Saigon kiếm cái mặc cái ăn. Những ghánh hàng rong của người miền Trung quê mình, những chiếc xe đẩy của người miền Bắc, cánh thợ hồ thợ may của miền Tây sông nước.
Nói chung là buồn. Nghĩ đến bèo là nghĩ đến chia ly, nghĩ đến sự bị động đến bất lực, nghĩ đến những kiếp người bèo bọt.

...Và Khi Cầu Thủ Thiêm Thông Xe
Từ khi cầu Thủ Thiêm làm xong, có thêm một đường nữa để vào trung tâm thành phố (và đương nhiên cũng có thêm một đường nữa để từ trung tâm thành phối về nhà!!!). Một lộ trình được Vô Thường thích nhất: đi ngõ phà và về ngõ cầu Thủ Thiêm. 
Lần nào về cũng dừng lại trên đỉnh cầu một lát, hít thật sâu, giúp tâm tĩnh lại, để không phải mang những điều không như ý ngoài đường về với người thân của mình. 
Chiều nay, trên đỉnh cầu, gặp một cô bán hàng rong: "Cô là người miền Trung? Con cũng là người miền Trung này Cô", và phải nhăn răng giải thích khi thấy cô ngạc nhiên: "con ở trong này từ nhỏ, nên không còn nói giọng Trung được nữa". 
Đứng trên đỉnh cầu, thấy thật xa. Thấy cả bên kia khúc quanh mà khi đứng trên phà không thể nhìn thấy. Vẫn những chuyến đò dọc đò ngang, vẫn những đám lục bình trôi theo dòng nước. Nhưng từ đây, sẽ dễ dàng nhân ra kiếp bèo không chỉ có tiếng thở dài chia ly, mà còn có tiếng chào nhau làm quen của những kiếp bèo xa lạ và cả tiếng cười vui khi gặp lại. Phía xa kia, những khóm bèo nhỏ sẽ kết lại với nhau. 
Nước lên bèo lên, nước xuống bèo xuống. Gặp chướng ngại, chúng tản ra, và khi gặp điều kiện thích hợp, chúng liên kết lại. Phận bèo không rẻ mạt như người ta tưởng. Cuộc sống của bèo, nếu nói theo người xưa là "an nhiên tùy duyên".

"An nhiên tùy duyên" không có nghĩa là để mặc cho cuộc sống đẩy đưa, mà là an nhiên chấp nhận những gì mình biết không thể cưỡng lại được.

Vô Thường.
Chùa Bé Bé. Thủ Thiêm. 3.12.2009.

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.



Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Chốt Sang Sông



Ngày xưa...
Ba nói: người nào đánh cờ giỏi sẽ dùng người giỏi. Vô Thường cũng tin như vậy. 

Hôm qua về thăm nhà…
Hai cha con huyên thuyên đủ chuyện trên trời dưới biển. Trong đó cũng có chuyện đánh cờ. “Có lẽ ba đã sai. Người đánh cờ giỏi chưa hẳn sẽ dùng người giỏi”. Tuần trước, ba có đánh cờ với một người, sức cờ cũng trung bình thôi, nhưng thật lạ. Ông thương đến cả những con chốt. Mỗi lần đưa chốt sang sông, ông buồn như đưa đứa cô con gái út sang sông về nhà chồng: “tội lắm”. Chốt sang sông, chốt không về lại nữa.
“Con biết tại sao đánh cờ giỏi chưa hẳn sẽ dùng người giỏi không? Vì con người không phải là những quân cờ vô tri”.

Vô Thường

Thủ Thiêm.10.11.2009

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Vượt Biển

Ngôi làng duyên hải của Vô Thường ngày xưa, có mùa chim di trú, từng đàn chim biển đông thật đông kéo nhau bay qua làng, vượt biển, để đến một nơi nào đó rất xa.
Đại dương mênh mông.
"chỉ những cánh chim đủ sức vượt biển mới dám tin đại dương mênh mông cũng có hai bờ".
những đứa bé lớn trong ngôi làng duyên hải như Vô Thường, có lẽ đứa nào cũng được nghe Bố nói như vậy, rồi tin. Mênh mông như đại dương nhất định cũng phải có hai bờ.
Cuộc sống mênh mông.
Những bất an mênh mông, đi mãi không hết.
Những hoài bão, những lời hứa của ngày xưa mênh mông, xa tít tắp, đi hoài không tới.
Lâu lâu, ta lại về, chỉ để nhìn từng đàn di trú bay qua làng, để nghe hơi nóng của ngày xưa đầy dần trong lòng.
"đi đi con, rồi sẽ tới, mênh mông như đại dương cũng có hai bờ".
Lại cột dây giày thật chặt, rồi đi.
Lũ chim vượt biển ám ảnh những người con của biển rất nhiều.
“Mênh mông như đại dương cũng có hai bờ.”


Vô Thường
Thủ Thiêm.6.11.2009

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Lòng Người

"rộng lớn nhất mặt đất là đại dương, rộng hơn đại dương là bầu trời, và rộng hơn bầu trời là lòng người".
Lòng người rộng hơn tất thảy,
Nhưng lòng người cũng hẹp lắm, hẹp hơn tất thảy, ta nói thật, lòng người rất hẹp, còn hẹp hơn khoảng không nằm gọn trong lòng chiếc vỏ ốc bé tí teo.
Vừa nhỏ bé, vừa khúc khuỷu, tối tăm.

Chẳng đủ chỗ cho một bàn chân người lạ bước vào. Và không cách nào có thể nhìn thấu được.


Vô Thường
Chùa Bé Bé. Thủ Thiêm. 6.11.2009

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Hương Ổi Chín

Hôm trước Mẹ gởi vào tí quà quê. Có mấy quả ổi chín mẹ hái trong vườn nhà. Thơm thật thơm.
Ổi bán ở Sài Gòn không bao giờ thơm được như vậy, ổi Sài Gòn to, trông đẹp lắm, ruột nhỏ, hạt ít, thịt nhiều, mềm, nhưng nhạt, nhạt lắm. Không có được vị chua nhẹ của ổi già sắp chín.
Vào mùa thu…
Làng quê miền Trung không có mùa lá rụng, không có những con đường lá vàng lá đỏ đẹp như tranh.
Mùa thu của làng quê miền Trung thơm mùi ổi chín.
Hương thơm từ những những quả ổi chín bị chim ăn dở theo gió, theo chân lũ nhỏ chạy khắp làng….
Có lẽ chỉ có miền Trung mới có mùa thu này…
Mùa thu thơm hương ổi chín.

Đã qua tiết thu phân, mùa thu đã qua một nửa…



Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Trời Mãi Xanh

Quận 1 và quận 2, chỉ cách nhau con sông Sài-gòn, nhưng là hai thế giới khác. Chỉ cách một con sông thôi, góc phố tôi sống như xa quận 1, trung tâm thành phố, đến vô tận.
Góc phố nhỏ của tôi chứa trong lòng cả một xóm lao động nghèo. Tôi sinh ở miền trung khắt nghiệt đầy nắng, gió, cát trắng nhưng lại lớn lên tại con phố nghèo này. Con phố cưu mang những phận người lam lũ khắp nước. Những chiếc xe đẩy của người miền Bắc, những ghánh hàng rong của người miền Trung quê tôi, đến những thợ may, những thợ hồ của miền Tây sông nước. Ba tôi nói, tại con phố bao dung nên mới có thể chấp nhận được nhiều như vậy. Tôi “cãi”, không phải con phố mà là con người, con người ở đây bao dung. Ba cười, không nói gì. Mẹ cũng cười: “con nhỏ này, vậy mà cũng cãi”.
“Đặc sản” của phố tôi có lẽ là triều cường. Năm nào cũng vậy, từ khoảng tháng tám âm lịch đến tận tết, mỗi tháng hai đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng một tuần, mỗi ngày hai lần, cả phố chìm trong nước. Nước rút, sân nhà nảo cũng đầy rác. Người lớn nhìn le lưỡi lắc đầu! Tụi nhỏ chúng tôi lại vui lắm, lũ trẻ trong xóm lao động nghèo chúng tôi tìm thấy rất nhiều thứ để làm đồ chơi trong mớ rác triều cường để lại. Đến tận lúc này tôi còn giữ “bộ sưu tập” những chiếc quẹt hết gas đầy màu sắc! Cả một gia tài! Lớn lên một tí, phải giúp bố mẹ khiêng đồ đạt khi nước lên, tát nước, lau nhà, quét sân khi nước rút, lũ trẻ chúng tôi mới biết sợ triều cường! Sợ nhưng vẫn chờ. Nước lên, mệt thiệt nhưng vui lắm. Sau khi làm xong việc nhà, chúng tôi kéo nhau ra đầu hẻm, chút nữa sẽ phụ bác Năm đẩy “con khủng long” về! Thời điểm đó, trong xóm có sáu chiếc xe gắn máy, nhưng chiếc xe của bác Năm là “khủng khiếp” nhất! Nó la lớn phải biết!
Một ngày nọ, ba chỉ đám dừa nước sau nhà. Chỗ đó sau này sẽ có một chiếc cầu. To không ba. To lắm, còn to hơn cầu Sài gòn nữa. Còn phía kia sẽ có một đường hầm chui dưới sông, chạy thẳng qua Sài gòn. To không ba? To mới gọi là đường. “Con khủng long” bác Năm qua lọt không? “Con khủng long” bác Năm ấy à, mấy “con” có thể qua cùng một lúc. Khi đó tôi còn nhỏ lắm, chưa thể hình dung nổi con đường hầm đó như thế nào. Nhưng cứ luôn miện với lũ bạn, “chỗ đó mai mốt sẽ có một đường hầm, to lắm nhá”.
Ngày “mai mốt” đó tôi phải đợi đến mười mấy năm! Cầu Thủ Thiêm đã làm xong. Tháng 6 sang năm đường hầm sẽ thông xe. Sau khi hai chiếc cầu này hoàn thành, công việc giải tỏa mặt bằng sẽ diễn ra nhanh hơn. Con phố của tôi sẽ được xóa đi, thay vào đó là môt trung tâm kinh tế, tài chính hiện đại nhất nước. Và như vậy ngày tôi ở lại với xóm lao động nghèo này cũng không còn bao lâu nữa.
“Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế của Sài Gòn, của khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung”. Khu phố nghèo của tôi sẽ là trái tim của thành phố, của cả nước.
Này con phố nghèo của tôi ơi, mình sẽ đi. Để mình nhìn lại bạn xem. Vẫn là những con rạch đen đầy rác, vẫn hàng bần ven kênh, vẫn những đợt triều cường. Không thể như thế này mãi được, bạn phải khác, mình cũng phải khác. Mình phải lớn, bạn cũng phải lớn. Lớn để thấy cuộc sống mênh mông vô cùng, lớn để thấy cuộc sống có nhiều thứ đẹp và đáng yêu lắm.
Mình sẽ buồn khi xa bạn nhưng sẽ khóc thật nhiều khi bạn không làm được những gi mọi người đang hy vọng. Bạn phải là đầu tàu dẫn nước Việt Nam ra biển lớn. Nước mình còn nghèo, còn nhiều bạn nhỏ miền trung quê mình phải bỏ học. Bạn hiểu được mình không?! Xa bạn, mình sẽ nhớ lắm, nhớ những ngày cuối năm, trời đã lạnh, nước lại lên, lạnh phải biết! Sáng sớm quấn mình trong chăn học bài thi nghe lũ cá thòi lòi nhảy bì bõm quanh nhà, nghe tiếng phà nặng nhọc rời bến. Nhớ những sáng lội nước đi học.

Bạn sẽ khác rất nhiều, mình cũng sẽ phải thế. Nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, của cả bạn và mình, đó là khoảng trời trên đầu, nó sẽ mãi xanh. 



Vô Thường
Thủ Thiêm cuối tuần


Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Lý Lẽ Của Trái Tim

Khi sáng, lúc quét rác, Vô Thường nhặt được chú mèo con trước cổng chùa. Đêm qua mưa lớn lắm, chú mèo vẫn khô ráo, có lẽ ai đó mới bỏ. Chú mèo đen từ đầu đến đuôi, bốn chân bị tật, không đi được. Thương.
Vô Thường đặt cho nó tên Lucky, ai cũng cười. Tên Lucky hồi giờ chỉ giành cho chó. Vô Thường biết. Nhưng cũng chỉ vì mong chú mèo con đáng thương đó có chút may mắn sau này. Tên gọi đâu thể thay đổi được số phận! Thì đó, những người có tên Đỗ Cử Nhân, Đỗ Tiến Sĩ… lại chẳng chịu học hành gì! Số phận hình thành từ thái độ sống của mình. Hình thành từ những suy nghĩ, từ lời nói, việc làm. Muốn thay đổi được số phận, phải thay đổi thái độ sống. Vô Thường biết.

Nhưng trái tim lại có lý lẽ riêng.

Chùa Bé Bé. Thủ Thiêm.30.10.2009


Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

Ngôi Nhà Nhỏ

Mặt biển chao đảo dữ dội, tung bụi mịt mù, như có bàn tay khổng lồ đang cầm trái đất lắc thật mạnh. Mưa như trút. Gió đập tan những hạt mưa thành lớp bụi mờ. Người phụ nữ đứng trên đồi cát sau làng, bất động, nhìn mãi về phía biển. Thuyền của chồng cô vẫn chưa về. Chiếc thuyền câu đó nhỏ lắm, trên nó cũng chỉ có hai người.
- Về thôi con! Phải thương đứa con của con nữa.
Đứa con, cô quên mất, cô đang có mang, chắc con lạnh lắm phải không, mẹ xin lỗi.
Hai người phụ nữ tựa vào nhau, liu xiu trong mưa bão.
Ngoài kia, biển vẫn giận dữ gào thét đến khản cả giọng.

***
Ngày cô lập gia đình, người mẹ vui lắm, nhưng trong lòng lại cồn lên nỗi lo lắng mơ hồ, người con trai đó làm nghề biển, cũng giống chồng bà ngày trước. Người đã bỏ hai mẹ con bà ra đi mãi mãi trong một trận bão biển. Sinh nghề tử nghiệp.
Đã sống trong làng chài này, trong máu người đàn ông nào lại không có vị mặn của biển. Không làm nghề biển, thì cũng chẳng còn việc gì để làm. Cánh đồng sau làng ngày càng cằn cỗi, và sau mỗi mùa bão, cát lại lấn vào một ít, hết mùa bão năm nay, có lẽ cát sẽ tràn vào phủ trắng hết phần còn lại. Chẳng còn trồng trọt gì được nữa.
Bao nhiêu năm nay rồi, cánh đồng sau làng đã bị bỏ hoang, trở thành thế giới riêng của lũ xương rồng. Loài cây như những con người ở đây, sù sì, nhẫn nại, dai dẳng đến không hiểu nổi. Nhưng khi mùa mưa đến, từ tấm thân gai góc đó lại bật ra những bông hoa đẹp ngỡ ngàng. Xưong rồng dai dẳng, sù sì bao nhiêu thì hoa của nó lại mong manh bấy nhiêu. Mong manh đến vô thường.

***
Một ngày sau, hai ngày sau… rồi một tuần sau… biển lặng lắm. Biển yên lặng như đứa bé biết lỗi khi lỡ tay làm vỡ chiếc bình. Có lẽ biển cũng chẳng muốn bão giông làm gì.
Gần một tháng sau.
- Chị ơi! Thuyền của anh về!
Cô nặng nhọc chay vội lên con dốc sau nhà, nơi cô vẫn thường đứng trông chồng. Đúng là thuyền của chồng. Cô tất tả chạy ra bãi. Đám trai làng bơi ra đẩy thuyền lên bãi.
Trên thuyền chẳng có ai! Không biết sao nó lại không bị trận bão khủng khiếp đó đánh chìm.
Đêm đó biển lại động, còn hơn lần trước. Đêm đó cô trở dạ. Người mẹ khoác vội tấm áo mưa, xách chiếc đèn bão chui vào mưa gió, đi rước người đỡ. Cô sinh một bé gái. Đứa bé đó chính là tôi.
Sáng hôm sau, biển lặng như chẳng có gì. Trên bãi, chiếc thuyền không còn nữa. Đêm qua, sóng tràn lên mang đi mất. Và từ đó, không ai còn thấy nó nữa.
Năm tôi được hai tuổi, mẹ và ngoại quyết định bỏ làng chài ra đi. Chúng tôi quay lưng về phía biển, đi mãi đi mãi, đến khi không còn nghe tiếng sóng biển, không còn nghe ai nói đến biển nữa.

Mẹ chọn mảnh đất gần trường học có tiếng trẻ đọc bài ê a, gần ngôi chùa nhỏ có vị Sư trụ trì già khắc khổ nhưng đôi mắt thật sáng, cất một ngôi nhà nhỏ, phía sau nhà là cánh đồng dã quỳ đầy nắng.

Vô Thường
Chùa Bé Bé. Thủ Thiêm. 30.10.2009


Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

AI CŨNG CÓ GIA ĐÌNH

Năm được mười hai tuổi, mình bắt đầu ăn chay trường. Mọi chuyện bắt từ câu chuyện mẹ kể:

***
Ngày xửa, ngày xưa…
Có người tiều phu hiền lắm. Ngày nọ ông nhặt được vien ngọc rắn. Viên ngọc giúp ông nghe được tiếng nói tất cả loài vật. Ông có người bạn thân, hồi nhỏ sống cùng làng, vì khó khăn phải tha phương cầu thực. Ông muốn cho người bạn biết bí mật này.
Bao năm không ngặp, cuộc sống của người bạn vẫn còn khó khăn. Người bạn muốn có bữa cơm tươm tất đãi ông. Ông bàn với vợ:
- Nhà mình chẳng có gì, thôi ngày mai làm con gà mẹ đãi khách.
Đêm đó hai người trò chuyện đến thật khuya mới chịu đi ngủ. Lạ chỗ, người tiều phu trằn trọc suốt đêm. Có tiếng thì thầm ngoài hiên. Ông lắng tai nghe, thì ra tiếng lũ gà. Giọng gà mẹ thật chậm thật buồn:
- Ngày mai ông bà chủ phải giết mẹ lấy thịt đãi khách. Không còn mẹ nữa các con phải sống hòa thuận với nhau.
Lũ gà con líp chíp vâng lời. Gà mẹ nói với đứa con lớn:
- Con giữ em cẩn thận, không để mấy đứa hàng xóm ăn hiếp em. Hôm qua, mẹ thấy diều hâu về đứng trên bụi tre cuối làng. Con nhớ thường xuyên nhìn ra phía đó. Con còn thấp, phải leo lên đống đất mới thấy. Nếu có diều hâu, phải mau dẫn em trốn vào hốc cây. Em còn nhỏ, không được dẫn em đi kiếm ăn ra khỏi vườn nhà.
Người tiều phu nghe tất cả, ông không sao ngủ được. Ngoài hiên, mẹ con lũ gà cũng không ngủ.

***
Nghe đến đây, hai chị em mình khóc thật nhiều. Mẹ cũng khóc. Từ hôm đó, hai chị em không sao ăn thịt được nữa. Tàn nhẫn quá. Hai chị em ăn chay với ba. Mẹ cũng tham gia. Cả nhà cùng ăn chay. (Sau này mình mới biết, mẹ muốn ăn chay từ lâu lắm rồi, nhưng thương hai chị em mình còn nhỏ, nên mới chịu trận đến tận lúc đó).
Ba mẹ dẫn hai chị em mình lên bàn thờ Phật, đốt cho moi đứa một nén hương:
- Hai chị em thắp hương cho Phật, rồi nói cho Phật biết tại sao lại ăn chay.
Chị nói gì đó nhiều lắm! Mình chỉ nói được mấy câu:
- Con không ăn thịt gà, thịt vịt… nữa vì tụi nó cũng có gia đình.

Ba cười, mẹ cười. Ngước lên, mình thấy Phật cũng cười.

Chùa Bé Bé. Thủ Thiêm.28.10.2009


Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

TIN

Khi cái nóng đuổi dần những đám mây đen đi khỏi đỉnh núi Tà-cú, khi những đám rau đắng đất bắt đầu mọc lấm tấm trên triền đê sau làng, lũ chim sẻ kéo nhau trở lại chùa sau mấy tháng đi trốn mưa, chúng tất bật xuống vườn chùa nhặt cỏ khô về làm tổ. Từ lâu lắm rồi, chùa là lãnh địa của chúng. Ở đó chúng an toàn thực sự. Người lớn trong làng không cho tụi nhỏ vào chùa bắt chim! Thậm chí đôi lúc còn nhờ tụi nó mang những con chim non lỡ rơi khỏi tổ đem trả lại cho cha mẹ chúng. Thấy cảnh này, lũõ sẻ thích lắm, kêu “khẹc… khẹc…”! Chúng mặc sức sinh sản, không phải lo lắng gì.
Nhưng khi mây đen bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều trên đỉnh núi Tà-cú, báo cho mọi người biết nay mai sẽ có những đám mây mang mưa về. Lũ sẻ đứng trên mái chùa, nhìn về phía núi, kêu “khẹc… khẹc…” rồi kéo nhau đi trốn mưa. Chẳng ai biết chúng đi đâu.
Chùa không còn một bóng sẻ. Không còn những tiếng “khẹc… khẹc…” vô tư. Thấy cũng buồn.

***
- Ai đang công phu bên chùa vậy Má?
- Có một vị thầy từ Sài gòn mới ra, chùa mình yên tĩnh, thầy ở để viết một quyển sách, hơn tuần rồi.
- Lâu rồi chùa mình không có ai công phu khuya.
- Ừ, từ ngày Thầy mất, chùa không còn ai, dân làng mình chỉ công phu chiều, tụng kinh buổi tối, khuya chỉ đóng chuông, không ai đủ kiên nhẫn học thuộc chú Lăng Nghiêm! Mới đó đã gần mười bảy năm. Ba tháng năm ngày nữa là đủ mười bảy năm. Ngày Thầy mất, con còn nhỏ, chưa biết buồn. Người lớn ai cũng ngậm ngùi. Con thấy đông, chắc nghĩ là vui, chạy lung tung. Ba phải la một trận mới chịu ngồi sụt sịt buồn như mọi người!
Từ ngày Thầy mất, chùa làng tôi không còn vị thầy nào nữa. Dân làng chia nhau coi chùa. Chùa vẫn tươm tất lắm. Đêm nào cũng có người về tụng kinh. Căn phòng của Thầy vẫn sạch, trên bàn lúc nào cũng có quyển kinh chữ Hán nằm ngay ngắn, thêm một lư trầm. Ba kể, ngày trước Thầy thường đốt lư trầm này lên rồi ngồi đọc kinh. Người ở xa tới, thấy cảnh chùa, ai cũng nghĩ Thầy chỉ mới ra ngoài, tí nữa sẽ trở về.
Hôm nay đầu tháng, tối tôi lên chùa sám hối, lâu lắm rồi tôi mới lên chùa. Tôi đang theo học đại học tại thành phố. Người đi chùa đông lắm. Đứng tràn ra cả sân. Từ ngày thầy về, người đi chùa nhiều hơn, cả làng bên cũng kéo sang. Tháng sau dân làng sẽ làm lại chánh điện. Không sang trọng lắm đâu, đơn giản thôi nhưng sẽ đủ rộng cho mọi người.
Từ ngày thầy về, dân làng tôi vui lắm. Gần sáng, nghe tiếng công phu, người già thức dậy, đun nước pha trà, rủ hàng xóm sang uống. Tiếng công phu bên chùa vọng sang đều đều, mọi người chẳng nói gì, lặng nhìn nhau, ứa nước mắt. Bên chùa, lũ sẻ cũng dậy từ lúc thầy công phu. Còn tối, chẳng biết đi đâu, chúng ngồi thu lu trong tổ kêu “khẹc… khẹc…”.
Từ ngày thầy về, lũ sẻ vui lắm. Ngày nào thầy cũng rải cơm, gạo lên tấm ván cũ đặt sau chùa cho chúng. Lúc đầu thấy lạ, chúng còn sợ, sau quen dần, thấy thầy chúng la cuống lên. Ý muốn nói: “Thầy biết không, tui con yêu thầy nhất trần đời!”

***
- Thầy đi rồi hả Má?
- Ừ, đi tuần trước.
- Thầy có trở lại không?
- Làng mình cũng tính thỉnh thầy trở lại. Nhưng công việc của thầy cần nhiều tài liệu, làng mình đâu có gì. Thấy ở lại chỉ làm khó thầy thêm, nên lại thôi.
Những đám mây đen đã bắt đầu kéo về ngày một nhiều trên đỉnh núi Tà-cú, đuổi cái nóng đi dần. Lũ sẻ đứng trên mái chùa, nhìn về phía núi, kêu “khẹc… khẹc…” rồi rủ xuống vườn chùa nhặt những cọng cỏ khô về lót thêm chiếc tổ cho thật dày. Năm nay chúng sẽ ở lại chùa, không đi trốn mưa nữa. Sáng thức dậy, bay ra tấm ván cũ sau chùa, chẳng thấy gì, chúng rủ nhau vào núi kiếm ăn. Chiều về, trò chuyện rôm rả một hồi rồi kéo nhau đi ngủ. Mai còn phải dậy sớm! Chúng dậy đúng giờ ngày trước thầy dậy công phu. Chùa yên lặng quá. Chúng tròn mắt nhìn nhau, kêu “khẹc… khẹc…”.
Lũ sẻ tin Thầy sẽ trở về.


Vô Thường.
Chủa Bé Bé. Thủ Thiêm. 27.10.2009

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Bằng Lăng Tím

Ngày xưa, Chú muốn trở thành thầy giáo, để dạy những đứa bé khét nắng trong làng biết hy vọng, biết ước mơ. Những ước mơ vượt ra khỏi lũy tre làng.
   Nhưng rồi chiến tranh, Chú cất lại dự định của mình. Ra trận.
   Ngày về.
   Chú để một chân và ba ngón tay lại chiến trường. 
   Nhà chỉ hai mẹ con, trống trải quá, người mẹ muốn nhà có tiếng trẻ thơ, bà tính khuyên chú lập gia đình.
   Nhưng, có lẽ sợ chú biết những suy nghĩ của mình, bà nói nhiều hơn, cười nhiều hơn. Chú cũng nói nhiều hơn, cười nhiều hơn. Hai người nói cười nhiều lắm, nhưng không dám nhìn vào mắt nhau. Có lẽ tại đôi mắt không biết nói dối.
   Một ngày nọ, đi làm sớm, chú nhặt được một bé gái ai bỏ trước cổng chùa cuối làng. Chú ẵm vội về nhà, hai mẹ con mừng đến ứa lệ. Chú đặt cho đứa bé tên Gia Bảo, báu vật của gia đình. Chiều, người mẹ ra ngôi chùa nhỏ cuối làng thắp một nén hương, cảm ơn Trời Phật đã cho bà đứa bé. 
   Ngày Gia Bảo biết nói “ba, ba, bà, bà…”, cả nhà vui khôn tả.
   Rồi Gia Bảo đến trường.
   Đêm về lại có tiếng học bài ê a. Chú dạy Gia Bảo học. “Lớn lên con làm cô giáo nha!”. “Dạ!”. “Con học luôn phần của ba nữa đó nha!” “Dạ!” 
   Sinh nhật lần thứ mười của Gia Bảo, chú tặng Gia Bảo một…cây bằng lăng. Gia Bảo thích hoa bằng lăng lắm, cô bé thường nhờ chú hái những chùm bằng lăng tím ngắt trong vườn nhà. Chú muốn Gia Bảo cũng có một cây bằng lăng cho riêng mình. 


Ngày xưa, có một người rất yêu bằng lăng tím. Chú lên rừng, tìm được một cây, mang về nhưng chưa kịp tặng, phải lên đường ra trận, chú đem trồng vội trong vườn. “Hết chiến tranh hãy tính!”. Cây bằng lăng đó đến nay vẫn còn, và cứ ngơ ngác tím.

Vô Thường
Thủ Thiêm.27.10.2009