Vô Thường

...tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Người Ần Sĩ Và Chú Ếch

Ngày xưa, trong khu rừng nọ, có vị ẩn sĩ sống cuộc đời khổ hạnh. Ông sống trong một am tranh nhỏ cách xa xóm làng. Phía trước am tranh là một hồ nước rộng. Ông gần như không vào làng. Trái cây và những loại rau rừng đủ để ông sống qua ngày. Ông chẳng cần gì nhiều, ông chỉ cần cuộc sống yên tĩnh, và thứ này, khu rừng thừa sức cho ông.
Suốt bao nhiêu năm, cuộc sống của vị ẩn sĩ vẫn bình yên như vậy.
Một ngày nọ, có chú ếch vào am tranh ông chơi! Ông nhìn chú ếch mỉm cười! Chú ếch chăm chú đưa mắt nhìn ông rồi nhảy ra. Ông nói với theo: 
- “Khi nào rảnh lại đến chơi nha anh bạn”!!! 
Hôm sau, cũng vào giờ ấy, chú ếch lại đến chơi với ông thật! Rồi những ngày tiếp theo, chú ếch đến lều tranh của của ông đều đặn.
Họ trở thành bạn thân, chú ếch ngày một dạn, đến ngồi cạnh ông, có khi còn nhảy hẳn vào lòng ông!!!  
Người và ếch làm bạn với nhau kể ra cũng bất tiện. Vị ẩn sĩ nói với chú ếch: 
- “Để ta biến ngươi thành người”. 
Ông làm phép vào một cốc nước, và rắc lên chú ếch. “Bùm…” chú ếch biến thành người, một chàng trai khôi ngô hơn người. Đám trai trong làng không ai bằng được! Vị ẩn sĩ xem đó như đứa con trai của mình, và chàng trai “ếch” cũng coi vị ẩn sĩ như cha.
Hai người sống chung trong ngôi am tranh nhỏ nơi cuối thôn, cách xa mọi người.    
 Vào một buổi chiều, hai cha con ngồi trước am tranh. 
“Con này!”,  
“Dạ!”, 
“Con cũng đã lớn rồi”. 
“dạ”, 
“Con hãy vào làng và tìm cho mình người bạn đời”.
“Dạ”. 
“Ngày mai con hãy vào làng”. 
“Dạ”.
“Nếu làng này không có con hãy đến ngôi làng khác”. 
“Dạ”, 
“Khi nào tìm được mới thôi”. 
“Dạ”. 
“Không tìm được là bố không cho về lại nhà đâu đấy”.
“Dạ…”

   Một năm sau, chàng trai trở về, chỉ một mình, cậu đã đi khắp cả nước, nhưng không tìm được ai. 
- “Con không tìm được người nào như ý?”. 
- “Dạ”.
- “Nếu thế thì thôi, con sống với bố vậy”.
- “Dạ”. 
- “Sống như bố cũng được, phải không?”. 
- “Dạ”.
   Nói thế, nhưng vị ẩn sĩ vẫn thắc mắc, “biết bao nhiêu người, sao nó lại không chọn được ai?”. Ông không hiểu được.

Khi mùa mưa về, lũ chim tất bật làm tổ, từng đàn bướm kéo về đầy cả khu rừng, chúng chuẩn bị cho mùa sinh sản.
Đêm đêm từ chiếc hồ trước am tranh vọng vào tiếng lũ ếch gọi nhau rộn rã, trong giấc mơ, chàng trai như nghe có ai gọi mình. Không nhận ra ai, nhưng nghe thân quen lắm, cậu trở dậy, ra khỏi nhà, đi về phía hồ, như một kẻ mộng du.
Sáng sớm, khi dậy, vị ẩn sĩ không thấy con trai đâu, “có lẽ hắn đi đâu một tí”, đến trưa vẫn chưa thấy trở về, “hắn đi đâu nhỉ, không nói với mình một tiếng, hắn đâu có thói quen như vậy. Đi đâu cũng nói cho mình biết. Mà trong khu rừng hoang này, có thứ gì để chơi?”, một linh cảm bất an, ông đi về phía hồ, ông lặng người, con ông đã chết, chết đuối trong hồ nước. Ông bật khóc: “Bố xin lỗi, bố đã vô tình giết chết con!”
  Ông đã vô tình giết chết con mình, vì khi biến chú ếch thành người, ông lại quên biến trái tim, vẫn để chàng trai mang trong mình trái tim loài ếch.    


Vô Thường
Thủ Thiêm.8.11.2010


Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

An

Có tin nhắn từ một nơi rất cũ.
"Đúng là, những con người ấy cũng phải đau khổ".
Và một nụ cười, để báo tin người đã ổn.
Ngày người đi, lòng đầy bất an, ta nói với theo.
"Khi nào thấy được những con người đang chèn ép mình cũng phải sống rất đau khổ, thì lòng sẽ an". 
Ta cứ tưởng câu nói ấy đã tan vào giông gió. Người chẳng bao giờ nghe được.
Thì cũng là những con người ấy. Cũng những áp lực ấy. Chỉ là chọn cho mình một vị trí khác để nhìn.
Khi có một điểm rất nhỏ để tựa vào, cũng đủ giúp người ta cảm thấy mình đã ổn.
Đã sống trong thế giới vô thường này, ai cũng phải khổ.
Một tí tình thương sẽ giúp nhau được thật nhiều.
Cảm ơn người đã trở lại.
Cảm ơn người đã đổi thay.


Chùa Bé Bé. Phố Hương. 22.10.2010


Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Nơi Ấy Vẫn Bình Yên

Nhặt cánh hoa dầu từ dòng nước, Sỏi ứa lệ… cô bé đã chờ thứ này lâu lắm rồi, và nghĩ sẽ không còn thấy nữa. Nghĩ thế, nhưng vẫn khắc khoải đợi chờ… Giữ chặc cánh hoa dầu trong tay, Sỏi chạy về làng, không theo con đường mòn quen thuộc, mà băng ngang đồng cỏ. Sỏi chạy một mạch ra sau làng, ngồi xuống trước hai ngôi mộ nằm cạnh nhau: “Bố, Mẹ, con vừa nhặt được mấy cánh hoa dầu từ trên kia trôi về. Nơi ấy, Anh con vẫn bình yên”.
Đêm đó, trong mơ, Sỏi thấy phía xa kia, có người nhặt thật nhiều hoa dầu, thả xuống sông và khỏa nước đẩy chúng đi. “Đi nhanh lên nào, hãy về đó và nói rằng, nơi đây ta vẫn bình yên.”

***
Hai anh em lên rẫy rất sớm, họ len qua rừng, không khí còn ướt sương, hai anh em đi trong làn hương thoảng thoảng mơ hồ của loài hoa nở đêm, thật nhẹ, gần lắm nhưng cũng xa như vô tận.
-   Em này, ngày mai anh đi rồi. Ngày mai em sẽ lên rẫy một mình.
Không có tiếng bé Sỏi, nhưng có lẽ cô bé đang khóc.
- Khi vẫn còn thấy những cánh hoa dầu trồi về, em biết rằng nơi đó anh vẫn được bình yên.
Ngày mai anh sẽ đi, đi đâu chưa biết, nhưng chắc chắn sẽ rất xa, và không biết ngày trở về. Đúng ra anh đã đi từ lâu lắm rồi, nhưng cứ chần chừ, chờ đợi cho đến hôm nay. Mẹ buồn lắm, nhưng không nói gì. Bố cũng buồn: “cố lên con trai, sẽ khó khăn lắm đây, nhưng là con trai, chưa bao giờ bố muốn con chọn cho mình cuộc sống bình yên cả”.
Ngày mai, anh sẽ đi tiếp đoạn đường ngày trước bố chưa đi hết.
Bộ tộc anh đang sống là bộ tộc yêu sự hoàn hảo. Từ bao đời nay, mọi người đã được dạy như thế, phải sống cho hoàn hảo. Và để thực hiện được điều đó, điều trước tiên họ được dạy, phải ghét bỏ, phải tránh xa những kẻ lỗi lầm.
Ở bộ lạc đó sẽ không có chỗ cho những con người phạm lỗi. Vì có họ, ngôi làng không còn hoàn hảo nữa.
Ngày xưa, khi thấy thấy những người phạm tội trong bộ lạc bị đuổi khỏi làng, người bố không chịu nổi. Cuộc sống ngoài kia khắc nghiệt đến chừng nào. Nhìn những gia đình có người phạm tội phải rời khỏi làng, dắt díu ra đi, họ chẳng khác gì đi vào chỗ chết. Mà đúng là đi vào chỗ chết thật. Có ai còn sống sót nổi đâu. Họ biết thế, nhưng phải đi, ngôi làng này không còn cho họ ở nữa. Họ đã phạm tội, họ là người xấu, họ không được ở chung với người tốt, lúc này họ còn thua con trâu con bò, vì nhưng con thú đấy còn được ở lại với làng, thế thôi.
Những người phạm lỗi nhẹ vẫn được ở lại, nhưng phải chuyển ra vùng ven, ra đường phải che mặt, không được để người khác nhìn thấy mặt của mình, và họ không được nhìn thẳng vào người chung quanh. Thậm chí, không được để chiếc bóng của mình chạm vào người tốt.
Cả bộ lạc lớn thế này còn phải tựa vào nhau để sống. Dịch bệnh, thứ dữ, sự rình chờ tấn công từ những bộ lạc khác. Song, những con người phạm tội bị đuổi khỏi làng, chỉ đơn độc một mình. Có tồn tại nổi không?
Cuộc sống chưa bao giờ bình yên.
Năm 6 tuổi, lần đầu tiên chứng kiến cảnh đứa bạn thân và gia đình bị đuổi khỏi làng, anh đã khóc. Bố đến bên cạnh: “không khóc nữa, những giọt nước mắt cho thất bại, cho bế tắc đã nhiều lắm rồi. Bố không muốn thấy những giọt nước mắt như vậy nữa. Hãy để giành nước mắt cho ngày thành công”.
Hai bố con ngồi cạnh nhau, bố kể cho con nghe về giấc mơ mày trước của mình. Và từ hôm đó, trong lòng người con, một ngôi làng cưu mang những người “tội lỗi” bắt đầu tượng hình.
Ngôi làng đó theo anh lớn, lớn mãi cho đến ngày hôm nay.
Gần một năm trước, hai bố con có đến xin tù trưởng, giam giữ những con người “tội lỗi” đáng bị đuổi khỏi làng vào đại lao. Khi nào có nhiều người, anh sẽ dẫn họ đi, những con người đó sẽ đi thật xa, ở đó họ sẽ dựng lên một ngôi làng. Sau này, những gia đình bị đuổi khỏi làng sẽ có nơi để sống.
“Ngày mai anh đi”, cả buổi tối anh chỉ nói được với Sỏi mỗi câu đó. Ngoài hiên, những cánh hoa dầu xoay xoay rất khẽ. Hai anh em thức thật khuya.
Đúng ra, những gì đáng nói, hai anh em đã nói hết rồi. Khi đi, anh sẽ mang theo nhưng cánh hoa dầu, ngôi làng mới cũng sẽ nằm gần sông, phía trên con sông ngày ngày chảy qua làng. Anh sẽ thường xuyên thả xuống sông những cánh hoa dầu để báo tin cho gia đình biết anh vẫn bình yên.
Sáng hôm sau, khi Sỏi thức dậy, anh đã đi. Anh rời làng từ thật sớm.
Trong hai năm đầu tiên, những cánh hoa dầu vẫn đều đều theo dòng nước trôi về. Năm thứ ba, không còn thấy nữa. Cũng vào năm đó, bố mẹ Sỏi mất trong một trận dịch khủng khiếp tràn qua làng.
Ngoài sông vẫn vắng những cánh hoa dầu.
Mãi cho đến một ngày, khi Sỏi không còn hy vọng, những cánh hoa dầu lại theo dòng nước tìm về. Ngày hôm sau nhiều hơn hôm trước. Sỏi lại hy vọng, lại chờ đợi. Đêm đêm lại mơ thấy anh. Lại thấy hai anh em lên rẫy rất sớm, cùng len qua rừng, không khí còn ướt sương, hai người đi trong làn hương thoảng thoảng mơ hồ của loài hoa nở đêm, thật nhẹ, gần lắm nhưng cũng xa như vô tận. Anh lại cõng Sỏi qua suối để Sỏi không ướt chân.

***
Mấy hôm sau khi nhận được những cánh hoa dầu trồi về, Sỏi quyết rời bỏ làng, để đi tìm anh. Bố Mẹ đã mất rồi, sợi dây giữ cô lại với ngôi làng này cũng đã đứt.
Sỏi ra đi khi trời còn chưa sáng, mọi người còn ngủ, cô đi ngược dòng sông. Đi mãi, đi mãi, thật lâu, thật xa, đi tìm anh, tìm ngôi làng. Sỏi không biết ngôi làng đó như thế nào, chỉ biết, ngôi làng đó cũng sẽ có một bến sông như ngôi làng mình đã sống. Anh đã nói thế. Và Sỏi tin Anh sẽ làm thế. Ở bất kỳ nơi đâu, anh cũng sẽ làm một bến sống như thế. Vì với anh, bến sông không chỉ đơn giản là một bến sông.
Sỏi luồn lách trong rừng rậm, cắt những sợi gai mây để len qua, có những chỗ cô phải nằm xuống, trườn qua như một con thú. Đêm, trèo lên cây ngủ. Những đêm trăng, đôi mắt của những loài thú ăn đêm cứ sáng rực lên thứ ánh sáng ma quái, rợn cả người. Tiếng lũ linh cẩu giành mồi với một tên sử tử đơn độc nào đấy, tiếng thở hộc hộc của lũ heo rừng, tiếng vỗ cánh rất khẽ của lũ chim ăn đêm mỏi mệt.
Đêm nào cô mơ thấy thấp thoáng bóng dáng một người nhặt thật nhiều hoa dầu, thả xuống sông, khỏa nước đẩy đi. Cô thường thấy người này vào gần sáng, nên khi thức dậy, trên môi còn vương lại một nụ cười.
Những cánh hoa dầu vẫn theo dòng nước về xuôi. Chúng như những đôi mắt nhìn Sỏi mỉm cười, Sỏi cũng mỉm cười, và đi tiếp.
Một buổi chiều nọ, cô đặt chân đến một khu rừng thưa, không khó để nhận biết nơi đây đã từng là một ngôi làng. Vẫn còn đó những chiếc cột nhà xiêu vẹo cố vươn ra khỏi đám cỏ tranh cao quá đầu người, như bàn tay cố vươn ra khỏi dòng nước kêu cứu của một kẻ sắp chết chìm. Và ngoài kia là bến sông giống hệt bến sông của ngôi làng Sỏi. Đây là ngôi làng của anh? Sỏi không muốn tin như thế. “Không phải, không thể như thế được. Anh vẫn bình yên mà”.

Vẫn bến sông như vậy, nhưng có thêm hàng dầu, bốn cây tất cả, chúng đứng thẳng hàng, có ai đó đã trồng. Đang vào cuối mùa hoa dầu chín, khi gió thổi qua, những cánh dầu còn sót lại thả mình rơi xuống, xoay tít, một vài cánh được gió đẩy ra giữa dòng, và cứ thể, theo dòng nước, mải miết tìm về xuôi.

Vô Thường.
Saigon. 13.5.2019




Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Hai Cha Con

Hai Cha Con sống cách nhau khoảng chừng chục nóc nhà. Cha 85, Con cũng đã 60. Cha già, ốm đau lặt vặt quanh năm. Đôi chân, đôi mắt đã yếu lắm. Lũ con, cháu không cho ông ra ngoài nhiều. Con nhỏ hơn nhưng lại mắc phải căn bệnh nan y vào giai đoạn cuối.
Ngày xe đưa Con từ bệnh viện về, Cha nhờ lũ cháu đưa sang thăm. Con cố cười, cố gom hết ánh sáng hy vọng để che đôi mắt buồn, thật tối:
- Hai cha con mình coi như huề, cha có bệnh của cha, con có bệnh của con.
Cha ứa nước mắt. Những giọt nước cũng đã ngã màu vàng. Ông thương Con lắm. “Tội con Hai, sinh ra khi gia đình còn khó khăn, thiệt thòi đủ điều”.
Hơn tháng sau, Con mất.
Cả nhà không dám cho Cha biết. Tuổi già rồi, thương con quá, chịu sao nổi...
- Đám tang nhà ai vậy bay?
- Dạ của hàng xóm ạ, của gia đình ông A mới chuyển về hơn một tuần. Cả nhà nói dối.
- Tụi bay thay tau qua đó chia buồn, một ngày hai ngày cũng là hàng xóm.

  Ngày cuối cuối năm thật lạnh....

Thủ Thiêm. 04/22/2010 03:31 pm




Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

Gà Mẹ Dạy Gà Con Gáy

 Ngày xưa… trong khu rừng nọ, có lũ gà sinh sống rất đông. Khu rừng mênh mông ấy là thế giới của chúng. Cũng như bao nơi khác, cuộc sống ở đấy cũng khắc nghiệt, cũng có đấu tranh để sinh tồn, cũng có cảnh mạnh được yếu thua… Lũ chồn, cáo vẫn thường xuyên lẻn vào bắt đi một vài con, lũ diều hâu vẫn chờ cơ hội cắp đi những chú gà con; và lũ gà ngày nào cũng bới tung lớp lá mục, tóm lấy lũ giun dế…
Từ bao đời nay, dưới tán la xanh ngút ngàn tưởng như bình yên ấy, là một cuộc chiến sinh tồn. Và trong cuộc chiến này, phần thắng tạm nghiêng về phía lũ gà. Chúng sinh sản và phát triển rất nhanh.
Ngày nọ, có trận dịch tràn qua khu rừng, trận dịch rất lớn, lũ gà chết như rạ, lũ chồn cáo diều hâu kéo vào tha hồ đánh chén, ăn thịt ăn trứng tự do mà không sợ lũ gà trống đánh trả.
Khi trận dịch đi qua, cả khu rừng chỉ còn một con gà mái và ổ trứng đang ấp. Khu rừng thật buồn. Nồng mùi lũ gà chết. Cũng may, do lũ chồn cáo nghĩ lũ gà đã chết hết nên gà mẹ và ổ trứng được bình yên cho đến ngày lũ gà con líp chíp mổ vỏ chui ra. Sáu chú gà con tất cả.
Trong sáu đứa con, chỉ có một một đứa con trai (gà trống ).
Buổi sáng nọ, có tên chồn tình cờ qua khu rừng, nghe tiếng mấy mẹ con gà trò chuyện ríu rít. "Thì ra vẫn còn sót lại mấy tên, hay đây!". Tối đó chồn ta trở lại khu rừng. Tìm đến nơi mấy mẹ con gà đang ngủ, cắp được một chú gà con, và đắc chí chạy mất. Nghe tiếng gà con kêu thảm thiết, gà mẹ giật mình, nhưng đêm tối, có thấy được gì. Chỉ nghe tiếng con yếu dần rồi lim tắt.
Đêm đấy mấy mẹ con không ngủ!
Giờ Vô Thường chỉ kể khúc sau thôi nha, lúc lũ gà con đã lớn, tên gà trống đã trổ mã thật đẹp. Để bảo vệ lũ con, gà mẹ phải dánh nhau với lũ chồn, cáo, diều hâu không biết bao nhiêu lần, và chiếc chân phải bị tật là kết quả sau những trận chiến đó.
"Bố con ngày xưa thế nào hả Mẹ?", tên gà trống con tròn mắt hỏi. "Bố con ngày trước cao to lắm, là một thành viên trong đội bảo vệ cho làng!" Gà mẹ kể lại thật nhiều... "Bố con có giọng gáy rất hùng" "Gáy là thế nào hở mẹ?" "Thì là..." Gà mẹ không biết nói sao cho con hiểu, nó có gáy được như lũ gà trống đâu! "Con muốn được như bố!"
Từ ngày đó, gà trống con suy nghĩ thật nhiều. "Bố gáy như thế nào nhỉ, mình chưa từng nghe bào giờ, mẹ không dạy được, làm sao đây"?
Ngày nọ khi từ ngoài rừng về, gà trống con thấy mẹ bị thương thật nặng, lũ chồn mới tới, bắt mất đứa em của nó, gà mẹ lại đánh nhau với chúng, nhưng gà mẹ đã già rồi...
Nước mắt gà trống con ứa ra...
Đêm đó nó thức canh cho cả nhà ngủ.
Nó nghĩ đến bố... người đã bảo vệ cho mẹ, cho cả làng...
Khi mặt trời vừa thức giấc, trong ánh sáng mù mù của ngày mới, nhìn thấy mẹ là lũ em xác xơ. Nước mắt nó lại ứa ra. Nó hướng về phía mặt trời, rang rộng đôi cánh, người vươn lên, hét thật to, "Bố ơi...! Con sẽ thay Bố bảo vệ gia đình... Con hứa đấy...!". Tiếng nó thật vang, gà Mẹ tỉnh giấc, tròn mắt, đó là tiếng gáy thật oai hùng, chẳng khác gì bố nó ngày trước.


Gà trống con đã biết gáy như thế!


Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Trái Tim Làm Từ Muối Biển

Ngày xưa. Xưa lắm.
Có ngôi làng nọ, một ngôi làng thật đặc biệt, nơi cưu mang những phận người có quá khứ thật buồn, mọi người gọi đó là ngôi làng Bao Dung. Người ở đó sống thật bao dung với nhau, họ không muốn nhắc đến và tìm hiểu quá khứ người khác như không muốn nhớ lại quá khứ của mình. 
Ngày nọ, có người đàn ông dẫn theo hai đứa bé về đó sinh sống. Cũng giống những người khác khi đến với làng, người đàn ông có đôi mắt thật buồn. Riêng với hai đứa bé, một trai một gái, đôi mắt lại cười thật vui, chưa biết buồn, và xinh như tượng. Người đàn ông đó là thợ điêu khắc có biệt tài, khi làm xong bức tượng nào, chúng đều có sức sống như thật. Cũng vì khả năng đặc biệt này mà ông phải bỏ quê hương ra đi, một ngôi làn duyên hải nào đó thật xa, ông đi thật xa, ở đó ông được làm một người bình thường như bao người khác. Hai đứa bé đều do ông tạc ra, nên chúng xinh mới xinh đẹp như vậy. Sau khi làm xong phần tượng, cả hai được đều được ông đặt vào lồng ngực một trái tim làm từ muối biển. 
Ông lấy muối hạt, cho vào chậu nước, khuấy lên, cho vào đó mấy giọt sương mai, một ít nhựa cây gì đó, rồi đem phơi để nước bốc hơi, và ông lấy khối rắn còn lại để làm trái tim.
 Trái tim sẽ có hơi ấm của mặt trời, có sự bao dung của nước, có sự sâu sắc của đại dương, có nét tinh khôi của sương buổi sớm mai.
Một ngày kia. Hai đứa con muốn đi thật xa, đi đâu cũng được, đi để tìm hiểu cuộc sống bên ngoài làng Bao Dung.  Ông đưa hai đứa con ra khỏi làng, muốn nói gì đó nhưng lại thôi. 
Chúng đi về phía biển… Nơi ông đã sinh sống ngày xưa, nơi đã gieo vào lòng ông những tiếng thở dài.
Một ngày nọ, hai đứa con trở về.
Đôi mắt của chúng lúc này đã thật buồn, thật tối, như gom hết về đó bóng tối trong cuộc sống. Và nơi lồng ngực hai đứa đau âm ỉ không chịu nổi. Người bố xem qua, trái tim cả hai đứa đã bị rạn nứt. Người bố muốn nói gì đó, nhưng lại thôi. Hai đứa con muốn nói gì đó, nhưng cũng lại thôi.
- Thôi hai con ngủ đi, ngủ thật sâu vào, bố sẽ lấy hai trái tim ra làm lại. Mấy hôm nữa hai đứa sẽ có trái tim mới, không còn những vết nứt này nữa, không còn đau nữa!!! Chịu chưa?!
Đêm đó ông thức thật khuya. Chỉ một mình. Hai đứa con ngủ thật say.
Phải chi, ông cũng có thể lấy trái tim mình ra, bỏ vào cốc nước, cho vào mấy giọt sương mai, khuấy cho tan ra, rồi đem phơi. Trái tim lại được làm mới, không còn mang những vết nứt, không còn mang những dị tật và nỗi đau của ngày hôm qua.


Sài Gòn.25.2.2010

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Bạn

Đến gần 14 tuổi cậu bé mới có người bạn thực sự đầu tiên khi gia đình hàng xóm mới về mang theo một cô bé thật đặc biệt: cô bé bị mù. 
Cậu bé bị dị tật từ khi mới sinh, nếu mới gặp lần đầu tiên có lẽ không ai nghĩ cậu bé là người của hành tinh này.
Cậu bé được nhiều người thương, nhưng nó không thích thương hại, nó muốn làm một người bình thường. “Nhưng mình có phải là người bình thường đâu”, cậu bé nghĩ vậy rồi lặng lẽ buồn. Cô bé hàng xóm cho cậu bé được làm một người bình thường. Cái tốt, cái xấu đối với người mù không giống những người bình thường khác. Cô bé cảm nhận cuộc sống bằng trái tim.
Hai đứa trở thành bạn thân, vì cô bé cũng muốn được làm một người bình thường
Đôi mắt của cô bé có thể chữa sáng, người thân cô bé ở một thành phố lớn nhất nước nói thế. Thấy cô bé mừng, cậu bé vui đến ứa lệ.
Rồi cô bé đi. Đôi mắt được chữa sáng. Người thân giữ lại chơi nhưng cô bé cứ đòi về.
Ngày về, cô bé vội chạy sang nhà cậu bé. 

Hai đứa nhìn nhau, ngỡ ngàng, lặng lẽ như hai người lạ.

Vô Thường.
Chùa Bé Bé. Thủ Thiêm. 9.1.2010.

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.