Vô Thường

...tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Mệt Không


Mục Châu[1] có người học trò làm quan trong triều.
Lâu lâu người học trò lại đến ngôi nhà bé bé của Mục Châu. Đến để được làm một-người-bình-thường. Ông đến không mang theo áo mão. Nhưng quan trọng, chỉ khi đứng trước Mục Châu ông mới cảm thấy mình được làm một-người-bình-thường thực sự. Không phải giăng mắc trên thân phận mình những vật trang sức phù phiếm thường ngày. Lòng thấy nhẹ….
Vì trong mắt của Mục Châu, những danh vọng và tài sản của một vị quan to trong triều chẳng đáng gì….
Thường thì người học trò ấy đến thăm Mục Châu rất sớm. Trưa… hai thầy trò cùng nhau nấu cơm, người nhóm bếp, người hái rau. Cũng thành bữa cơm. Rồi ngủ một giấc thật sâu. Chiều… người học trò xuống núi, về lại kinh thành.
Ngày nọ, người học trò đến trễ.
- Dạ, hôm nay con xem người ta cưỡi người đánh cầu nên đến trễ.
- Người đánh cầu có mệt không?
- Dạ mệt
- Ngựa có mệt không?
- Dạ mệt…
- Thế quả cầu và mấy chiếc trụ cũng mệt chứ?
Người học trò sững người trước câu hỏi bất ngờ ấy. Ông không trả lời được… suy nghĩ mãi.

Đêm ấy ông không ngủ được, trằn trọc. “Quả cầu và mấy chiếc trụ có mệt không?”…. “Quả cầu và mấy chiếc trụ có mệt không?...”… đến gần sáng, nghe tiếng vỗ cánh nặng nhọc của lũ chim ăn đêm về tổ. Ông nhận ra điều gì ấy, mỉm cười, và vội đến chỗ Mục Châu.
- Dạ, quả cầu và mấy chiếc trụ cũng biết mệt ạ!!!
Mục Châu mỉm cười, “đúng là quả cầu và mấy chiếc trụ cũng biết mệt…”

Câu chuyện trên muốn nói đến sự tương quan tác động lẫn nhau của những thứ trong cuộc sống, mà gần như chúng ta không nhận ra được.
“Quả cầu và mấy chiếc trụ có mệt không?”. Chắc chắn mọi người sẽ khẳng định ngay là “không”. Làm sao chúng có thể biết mệt được.
Nhưng thực sự chúng cũng biết mệt.
Thế này, to như quả đất kia vẫn đang rất mệt mỏi với những “trò chơi” của con người.
Chúng ta thường chỉ thấy được những gì to tác. Còn với những thứ nhỏ nhặt tinh tế lại không cảm nhận được, nên khẳng định “không có”.Mọi hạnh động của chúng ta đều tác động đến thế giới bên ngoài. Và đương nhiên thế giới bên ngoài cũng tác động trở lại chúng ta.
Ngay câu đầu tiên trong chương thứ tư Abhidharmakośa-śāstra, Vasubandhu đã khẳng định, những đổi thay trên thế giới này đều bắt đầu từ những thái độ sống và hành động của con người… là con người, là chúng ta, phải là chúng ta, không phải bất kỳ thế lực siêu nhiên nào cả. Hạnh phúc bắt đầu từ đó, và bất an cũng bắt đầu từ đó…. Những thái độ sống, những hành động là những viên ghạch làm nên ngôi nhà cho mình trong tương lai.


Hình như chúng ta đang rất tàn nhẫn với tương lai của mình…

Vô Thường
Sài Gòn.25.10.2013
Om Mani Padme Hum 

___________________________
[1] Mục Châu (睦州), gọi đầy đủ là Mục Châu Đạo Minh (睦州道明), sống vào đời Đường. là đệ tử nối pháp của Thiền Sư Hoàng Bá Hi Vận (黃檗希運).... Mục Châu luôn ẩn giấu thân phận, chẳng mấy người biết đó là một người kiệt xuất. Mục Châu thường đan giày cỏ, đem bán bên đường, lấy tiền nuôi Mẹ. Nên mọi người thường gọi Mục Châu là Trần Bồ Hài (陳蒲鞋), người họ Trần Đan Giày Cỏ. Mục Châu mất năm 877, thọ 89 tuổi

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Quà Của Mưa

Sài Gòn đã giao mùa. Chính xác là từ ngày hôm qua.
Sáng qua, mới thức dậy, nghe có thứ gì rất lạ len vào phòng, ngồi ngẩn ngơ suy nghĩ một hồi mới nhớ ra đấy là hơi thở của nắng. Nắng đã về rất gần.
Hôm qua, màu của nắng khác hơn những ngày trước. Màu vàng nhạt như màu nắng những ngày gần tết.
Hôm nay có mưa, nhưng ngay trong cơn mưa, cũng có màu và hơi thở của nắng.
 Mưa hôm nay không còn là mưa, nhưng nắng hôm nay cũng chưa phải là nắng.
 Mưa như một người chuẩn bị đi xa, bỏ quên gì đấy, chạy ù về, mở cửa, nhìn dáo dác rồi lại khóa cửa chảy ù đi. Rất nhanh.
Hôm nay, mưa quên thứ gì? Mưa quên chưa đưa cho nắng một món quà.
Quà của mưa. Đúng rồi, quà của mưa muốn gởi lại cho nắng. Nắng vẫn chưa về. Mưa cất món quà trong những tán cây, nắng còn một mùa thật dài phía trước để tìm. 

 Sài Gòn giao mùa.

Vô Thường
Saigon.19.10.2013

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Tặng Gương Mặt Thân Thiện















[lời kinh trong lòng bàn tay]
TẶNG GƯƠNG MẶT THÂN THIỆN


đừng bao giờ nghĩ mình ko có thứ gì để cho người khác.

Gautama nói, ngay lúc trong tay ko có gì, chúng ta cũng có thể cho những người chung quanh gương mặt tươi vui thân thiện (hòa nhan duyệt sắc thí)
(dòng thứ 18, khung thứ nhất, trang 479, bộ sách mang mã số 203, tập 4 Đại Chính Tạng)

gương mặt tươi vui thân thiện... như vạt nắng ngoài hiên buổi sớm...

Không quen...
Yên lặng...
Không nói gì...

Nhưng vẫn đủ để lòng cảm thấy ấm...

Thiệt mà...

[cười]

Vô Thường
SG.18.10.2013.
Om Mani Padme Hum.

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Chuyện Nhỏ

Mãi theo đuổi những "chuyện lớn”. Mãi lo sống cho mình. Quay lưng lại với gia đình, quay lưng lại với nhiều việc, nhiều người, với những thứ ngày xưa, bỏ những thứ mình cho là "nhỏ".
Ngày lá rụng về cội... Cội lại chẳng còn...
Đôi lúc lại hoang mang...
Trong cuộc sống...

Chuyện gì là lớn? Chuyện gì là nhỏ...?

Vô Thường
Sài Gòn.17.10.2013
Om Mani Padme Hum.


Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Cháy














[cuộc sống nhìn từ ô cửa Thiền]
CHÁY

To lớn như mặt trời...
...cũng phải đốt mình lên để mà sống,
...để tồn tại,
...và hoại diệt.

So với mặt trời...
Kiếp người bé hơn hạt bụi, vèo cái là hết... Chỉ khác là, hạt bụi ấy biết suy nghĩ có trái tim...

Hạt bụi biết suy nghĩ và có trái tim, "cháy" cũng phải khác những hạt bui thông thường, hen!?

Nhất định rồi...

[cười]

Vô Thường 
Sài Gòn.11.10.2013 
Om Mani Padme Hum

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Vượt Biển.

Trong ngôi làng duyên hải ngày xưa... 
Có mùa chim di trú, từng đàn chim biển đông thật đông kéo nhau bay qua làng, vượt biển, để đến một nơi nào đó rất xa.
Đại dương mênh mông...
"chỉ những cánh chim đủ sức vượt biển mới dám tin đại dương mênh mông cũng có hai bờ...".
Bhững đứa bé lớn trong ngôi làng ven biển như Vô Thường, có lẽ đứa nào cũng được nghe Bố nói như vậy...
Cuộc sống mênh mông...
Đi đi con, rồi sẽ tới, mênh mông như đại dương cũng có hai bờ...
Lũ chim vượt biển ám ảnh những người con của biển rất nhiều...

Vô Thường
Sài Gòn.10.10.2013.
Om Mani Padme Hum.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Tự Tại














[lời kinh trong lòng bàn tay]
TỰ TẠI

Gautama nói:
...trong thế gian, có rất nhiều loài chim... nhưng chỉ những cánh chim vượt biển mới đủ tự tin tự mình qua hết đại dương bao la dậy sóng, đến được bờ bên kia [đại dương]...

cũng như vậy....
...trong thế gian có nhiều hạng người, nhưng chỉ những trí giả thật sự mới đủ tự tại vượt qua hết cuộc đời đầy bất an này...
Vô Thường 
Sài Gòn.9.10.2013
[...Om Mani Padme Hum...] 

p/s: Vô Thường viết lại từ một câu kinh Pháp Cú..

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Nhãn Thí

Lời Kinh trong lòng bàn tay: 
“Đừng nghĩ mình không có gì để cho những người chung quanh, nếu muốn, hãy tặng tất cả sự sống quanh mình ánh mắt chân thành (nhãn thí).(1)
Ánh mắt chân thành, yên lặng, không nói gì, nhưng vẫn đủ sức làm con tim ấm lên, và chữa lành được rất nhiều vết thương. Thật. Nhìn sự sống chung quanh với ánh mắt chân thành, không khó, nhưng cũng chẳng dễ.

Vô Thường
Sài Gòn.7.10.2013
Om Mani Padme Hum.
_____________________________
[1] Nguyên Hán văn: Dòng 14, khung thứ nhất, trang 479, bộ sách mang mã số 203, 雜寶藏經, tập 4 大正新脩大藏經

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.