Vô Thường

...tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Mệt Không


Mục Châu[1] có người học trò làm quan trong triều.
Lâu lâu người học trò lại đến ngôi nhà bé bé của Mục Châu. Đến để được làm một-người-bình-thường. Ông đến không mang theo áo mão. Nhưng quan trọng, chỉ khi đứng trước Mục Châu ông mới cảm thấy mình được làm một-người-bình-thường thực sự. Không phải giăng mắc trên thân phận mình những vật trang sức phù phiếm thường ngày. Lòng thấy nhẹ….
Vì trong mắt của Mục Châu, những danh vọng và tài sản của một vị quan to trong triều chẳng đáng gì….
Thường thì người học trò ấy đến thăm Mục Châu rất sớm. Trưa… hai thầy trò cùng nhau nấu cơm, người nhóm bếp, người hái rau. Cũng thành bữa cơm. Rồi ngủ một giấc thật sâu. Chiều… người học trò xuống núi, về lại kinh thành.
Ngày nọ, người học trò đến trễ.
- Dạ, hôm nay con xem người ta cưỡi người đánh cầu nên đến trễ.
- Người đánh cầu có mệt không?
- Dạ mệt
- Ngựa có mệt không?
- Dạ mệt…
- Thế quả cầu và mấy chiếc trụ cũng mệt chứ?
Người học trò sững người trước câu hỏi bất ngờ ấy. Ông không trả lời được… suy nghĩ mãi.

Đêm ấy ông không ngủ được, trằn trọc. “Quả cầu và mấy chiếc trụ có mệt không?”…. “Quả cầu và mấy chiếc trụ có mệt không?...”… đến gần sáng, nghe tiếng vỗ cánh nặng nhọc của lũ chim ăn đêm về tổ. Ông nhận ra điều gì ấy, mỉm cười, và vội đến chỗ Mục Châu.
- Dạ, quả cầu và mấy chiếc trụ cũng biết mệt ạ!!!
Mục Châu mỉm cười, “đúng là quả cầu và mấy chiếc trụ cũng biết mệt…”

Câu chuyện trên muốn nói đến sự tương quan tác động lẫn nhau của những thứ trong cuộc sống, mà gần như chúng ta không nhận ra được.
“Quả cầu và mấy chiếc trụ có mệt không?”. Chắc chắn mọi người sẽ khẳng định ngay là “không”. Làm sao chúng có thể biết mệt được.
Nhưng thực sự chúng cũng biết mệt.
Thế này, to như quả đất kia vẫn đang rất mệt mỏi với những “trò chơi” của con người.
Chúng ta thường chỉ thấy được những gì to tác. Còn với những thứ nhỏ nhặt tinh tế lại không cảm nhận được, nên khẳng định “không có”.Mọi hạnh động của chúng ta đều tác động đến thế giới bên ngoài. Và đương nhiên thế giới bên ngoài cũng tác động trở lại chúng ta.
Ngay câu đầu tiên trong chương thứ tư Abhidharmakośa-śāstra, Vasubandhu đã khẳng định, những đổi thay trên thế giới này đều bắt đầu từ những thái độ sống và hành động của con người… là con người, là chúng ta, phải là chúng ta, không phải bất kỳ thế lực siêu nhiên nào cả. Hạnh phúc bắt đầu từ đó, và bất an cũng bắt đầu từ đó…. Những thái độ sống, những hành động là những viên ghạch làm nên ngôi nhà cho mình trong tương lai.


Hình như chúng ta đang rất tàn nhẫn với tương lai của mình…

Vô Thường
Sài Gòn.25.10.2013
Om Mani Padme Hum 

___________________________
[1] Mục Châu (睦州), gọi đầy đủ là Mục Châu Đạo Minh (睦州道明), sống vào đời Đường. là đệ tử nối pháp của Thiền Sư Hoàng Bá Hi Vận (黃檗希運).... Mục Châu luôn ẩn giấu thân phận, chẳng mấy người biết đó là một người kiệt xuất. Mục Châu thường đan giày cỏ, đem bán bên đường, lấy tiền nuôi Mẹ. Nên mọi người thường gọi Mục Châu là Trần Bồ Hài (陳蒲鞋), người họ Trần Đan Giày Cỏ. Mục Châu mất năm 877, thọ 89 tuổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét