Vô Thường

...tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Chốt Sang Sông



Ngày xưa...
Ba nói: người nào đánh cờ giỏi sẽ dùng người giỏi. Vô Thường cũng tin như vậy. 

Hôm qua về thăm nhà…
Hai cha con huyên thuyên đủ chuyện trên trời dưới biển. Trong đó cũng có chuyện đánh cờ. “Có lẽ ba đã sai. Người đánh cờ giỏi chưa hẳn sẽ dùng người giỏi”. Tuần trước, ba có đánh cờ với một người, sức cờ cũng trung bình thôi, nhưng thật lạ. Ông thương đến cả những con chốt. Mỗi lần đưa chốt sang sông, ông buồn như đưa đứa cô con gái út sang sông về nhà chồng: “tội lắm”. Chốt sang sông, chốt không về lại nữa.
“Con biết tại sao đánh cờ giỏi chưa hẳn sẽ dùng người giỏi không? Vì con người không phải là những quân cờ vô tri”.

Vô Thường

Thủ Thiêm.10.11.2009

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Vượt Biển

Ngôi làng duyên hải của Vô Thường ngày xưa, có mùa chim di trú, từng đàn chim biển đông thật đông kéo nhau bay qua làng, vượt biển, để đến một nơi nào đó rất xa.
Đại dương mênh mông.
"chỉ những cánh chim đủ sức vượt biển mới dám tin đại dương mênh mông cũng có hai bờ".
những đứa bé lớn trong ngôi làng duyên hải như Vô Thường, có lẽ đứa nào cũng được nghe Bố nói như vậy, rồi tin. Mênh mông như đại dương nhất định cũng phải có hai bờ.
Cuộc sống mênh mông.
Những bất an mênh mông, đi mãi không hết.
Những hoài bão, những lời hứa của ngày xưa mênh mông, xa tít tắp, đi hoài không tới.
Lâu lâu, ta lại về, chỉ để nhìn từng đàn di trú bay qua làng, để nghe hơi nóng của ngày xưa đầy dần trong lòng.
"đi đi con, rồi sẽ tới, mênh mông như đại dương cũng có hai bờ".
Lại cột dây giày thật chặt, rồi đi.
Lũ chim vượt biển ám ảnh những người con của biển rất nhiều.
“Mênh mông như đại dương cũng có hai bờ.”


Vô Thường
Thủ Thiêm.6.11.2009

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Lòng Người

"rộng lớn nhất mặt đất là đại dương, rộng hơn đại dương là bầu trời, và rộng hơn bầu trời là lòng người".
Lòng người rộng hơn tất thảy,
Nhưng lòng người cũng hẹp lắm, hẹp hơn tất thảy, ta nói thật, lòng người rất hẹp, còn hẹp hơn khoảng không nằm gọn trong lòng chiếc vỏ ốc bé tí teo.
Vừa nhỏ bé, vừa khúc khuỷu, tối tăm.

Chẳng đủ chỗ cho một bàn chân người lạ bước vào. Và không cách nào có thể nhìn thấu được.


Vô Thường
Chùa Bé Bé. Thủ Thiêm. 6.11.2009

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Hương Ổi Chín

Hôm trước Mẹ gởi vào tí quà quê. Có mấy quả ổi chín mẹ hái trong vườn nhà. Thơm thật thơm.
Ổi bán ở Sài Gòn không bao giờ thơm được như vậy, ổi Sài Gòn to, trông đẹp lắm, ruột nhỏ, hạt ít, thịt nhiều, mềm, nhưng nhạt, nhạt lắm. Không có được vị chua nhẹ của ổi già sắp chín.
Vào mùa thu…
Làng quê miền Trung không có mùa lá rụng, không có những con đường lá vàng lá đỏ đẹp như tranh.
Mùa thu của làng quê miền Trung thơm mùi ổi chín.
Hương thơm từ những những quả ổi chín bị chim ăn dở theo gió, theo chân lũ nhỏ chạy khắp làng….
Có lẽ chỉ có miền Trung mới có mùa thu này…
Mùa thu thơm hương ổi chín.

Đã qua tiết thu phân, mùa thu đã qua một nửa…



Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Trời Mãi Xanh

Quận 1 và quận 2, chỉ cách nhau con sông Sài-gòn, nhưng là hai thế giới khác. Chỉ cách một con sông thôi, góc phố tôi sống như xa quận 1, trung tâm thành phố, đến vô tận.
Góc phố nhỏ của tôi chứa trong lòng cả một xóm lao động nghèo. Tôi sinh ở miền trung khắt nghiệt đầy nắng, gió, cát trắng nhưng lại lớn lên tại con phố nghèo này. Con phố cưu mang những phận người lam lũ khắp nước. Những chiếc xe đẩy của người miền Bắc, những ghánh hàng rong của người miền Trung quê tôi, đến những thợ may, những thợ hồ của miền Tây sông nước. Ba tôi nói, tại con phố bao dung nên mới có thể chấp nhận được nhiều như vậy. Tôi “cãi”, không phải con phố mà là con người, con người ở đây bao dung. Ba cười, không nói gì. Mẹ cũng cười: “con nhỏ này, vậy mà cũng cãi”.
“Đặc sản” của phố tôi có lẽ là triều cường. Năm nào cũng vậy, từ khoảng tháng tám âm lịch đến tận tết, mỗi tháng hai đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng một tuần, mỗi ngày hai lần, cả phố chìm trong nước. Nước rút, sân nhà nảo cũng đầy rác. Người lớn nhìn le lưỡi lắc đầu! Tụi nhỏ chúng tôi lại vui lắm, lũ trẻ trong xóm lao động nghèo chúng tôi tìm thấy rất nhiều thứ để làm đồ chơi trong mớ rác triều cường để lại. Đến tận lúc này tôi còn giữ “bộ sưu tập” những chiếc quẹt hết gas đầy màu sắc! Cả một gia tài! Lớn lên một tí, phải giúp bố mẹ khiêng đồ đạt khi nước lên, tát nước, lau nhà, quét sân khi nước rút, lũ trẻ chúng tôi mới biết sợ triều cường! Sợ nhưng vẫn chờ. Nước lên, mệt thiệt nhưng vui lắm. Sau khi làm xong việc nhà, chúng tôi kéo nhau ra đầu hẻm, chút nữa sẽ phụ bác Năm đẩy “con khủng long” về! Thời điểm đó, trong xóm có sáu chiếc xe gắn máy, nhưng chiếc xe của bác Năm là “khủng khiếp” nhất! Nó la lớn phải biết!
Một ngày nọ, ba chỉ đám dừa nước sau nhà. Chỗ đó sau này sẽ có một chiếc cầu. To không ba. To lắm, còn to hơn cầu Sài gòn nữa. Còn phía kia sẽ có một đường hầm chui dưới sông, chạy thẳng qua Sài gòn. To không ba? To mới gọi là đường. “Con khủng long” bác Năm qua lọt không? “Con khủng long” bác Năm ấy à, mấy “con” có thể qua cùng một lúc. Khi đó tôi còn nhỏ lắm, chưa thể hình dung nổi con đường hầm đó như thế nào. Nhưng cứ luôn miện với lũ bạn, “chỗ đó mai mốt sẽ có một đường hầm, to lắm nhá”.
Ngày “mai mốt” đó tôi phải đợi đến mười mấy năm! Cầu Thủ Thiêm đã làm xong. Tháng 6 sang năm đường hầm sẽ thông xe. Sau khi hai chiếc cầu này hoàn thành, công việc giải tỏa mặt bằng sẽ diễn ra nhanh hơn. Con phố của tôi sẽ được xóa đi, thay vào đó là môt trung tâm kinh tế, tài chính hiện đại nhất nước. Và như vậy ngày tôi ở lại với xóm lao động nghèo này cũng không còn bao lâu nữa.
“Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế của Sài Gòn, của khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung”. Khu phố nghèo của tôi sẽ là trái tim của thành phố, của cả nước.
Này con phố nghèo của tôi ơi, mình sẽ đi. Để mình nhìn lại bạn xem. Vẫn là những con rạch đen đầy rác, vẫn hàng bần ven kênh, vẫn những đợt triều cường. Không thể như thế này mãi được, bạn phải khác, mình cũng phải khác. Mình phải lớn, bạn cũng phải lớn. Lớn để thấy cuộc sống mênh mông vô cùng, lớn để thấy cuộc sống có nhiều thứ đẹp và đáng yêu lắm.
Mình sẽ buồn khi xa bạn nhưng sẽ khóc thật nhiều khi bạn không làm được những gi mọi người đang hy vọng. Bạn phải là đầu tàu dẫn nước Việt Nam ra biển lớn. Nước mình còn nghèo, còn nhiều bạn nhỏ miền trung quê mình phải bỏ học. Bạn hiểu được mình không?! Xa bạn, mình sẽ nhớ lắm, nhớ những ngày cuối năm, trời đã lạnh, nước lại lên, lạnh phải biết! Sáng sớm quấn mình trong chăn học bài thi nghe lũ cá thòi lòi nhảy bì bõm quanh nhà, nghe tiếng phà nặng nhọc rời bến. Nhớ những sáng lội nước đi học.

Bạn sẽ khác rất nhiều, mình cũng sẽ phải thế. Nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, của cả bạn và mình, đó là khoảng trời trên đầu, nó sẽ mãi xanh. 



Vô Thường
Thủ Thiêm cuối tuần