Vô Thường

...tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Thuyền Từ

Lời kinh trong lòng bàn tay:
“Làm một chiếc Thuyền Từ, Qua nhân gian nước lũ, Kẻ kiêu mạn nông nổi, Tự làm đắm đời mình.”(1)
Nhân gian như miền nước lũ, bản thân mỗi người như một chiếc thuyền con. Nước lũ dầu có sâu đến đâu, rộng thế nào, cũng không thể tràn vào làm đắm được một chiếc thuyền khi lòng thuyền vẫn còn nguyên vẹn. 
Lòng thuyền. Lòng người.
Dùng Từ Tâm của chính mình để làm thuyền, chiếc Thuyền Từ, rồi cũng đem Từ Tâm của chính mình để vá lại những rạn nứt sau những lần va chạm với nhân gian. Có kẻ va vào nghịch duyên mà rạn nứt, những khắc nghiệt trong nhân gian lấy mất con người trong trẻo ngày xưa. Có kẻ va vào thuận duyên mà rạn nứt, danh lợi đến quá dễ dàng cũng làm người ta ngã đổ, đẩy người ta đi xa, không về lại được nữa. Không đủ Từ Tâm để vá lại những rạn nứt nên bị đắm.
Một người biết thương ngày mai của mình đến kiệt cùng sẽ không còn muốn làm gì để ngày mai của mình phải khổ, người đó cũng không còn sợ nước lũ chốn nhân gian bằng nỗi sợ những rạn nứt trong lòng chưa được vá lại. 
Do lòng người chưa bao giờ yên nên nhân gian vẫn còn như miền nước lũ.


Chùa Bé Bé. Phan Thiết.30.6.2017.
_____________________________
[1] Nguyên Hán văn: 於世間瀑流, 為作彼舡筏,若醉傲放逸, 決定為自損。Dòng 14, 15, khung thứ 3, trang 459, bộ kinh mang mã số 0728, 諸法集要經, tập 17 大正新脩大藏經。

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Sư Tử

Lời kinh trong lòng bàn tay:
"Khi một con sư tử vươn vai, nó có thể khuất phục được muôn thú trong rừng. 
Một người khi đã biết đủ và không còn tham cầu, kẻ đó có thể khuất phục được tất cả những âu lo”.(1)
Biết đủ, tri túc, chẳng liên quan gì đến việc bỏ cuộc.
Biết đủ cũng không có nghĩa là không cố gắng, không tìm kiếm, chỉ là thôi tìm kiếm bên ngoài, thôi giành giật với cuộc đời, thôi chen lấn trong hội chợ phù hoa để tìm kiếm cho mình hạnh phúc chân thật.
Trong thế giới phù hoa, làm gì có hạnh phúc chân thật mà tìm? Biết đủ để dừng lại và quay về với bản thân mình. Còn nương vào người để hạnh phúc, còn bị người làm khổ. Còn tìm kiếm niềm vui trong thế giới vật chất, còn bị vật chất làm buồn. Còn tựa vào điều gì đó bên ngoài để bình yên, còn bị thế giới bên ngoài làm động.
Kẻ tri túc, biết đủ, là người thuyết phục được lòng mình rằng, để những điều bên ngoài làm khổ đau như thế là đủ rồi.
Kẻ tri túc, biết đủ, là người dám tin, ngay trong bản thân mình, luôn có đầy đủ những điều cần thiết để bình yên.
Ngay bên trong bé sâu xấu xí, đã có đầy đủ những điều cần thiết để làm nên đôi cánh khi bé trở thành bướm sau này.

Tin không?

Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 27.6.2017.
_____________________________
[1] Nguyên Hán văn: 如師子進止,能伏諸群獸,知足絕貪求,無畏亦如是。Dòng 18, 19, khung thứ 3, trang 513, bộ kinh mang mã số 0728, 諸法集要經, tập 17 大正新脩大藏經。

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Pháp Cú 92

Lời Kinh trong lòng bàn tay:
"Những kẻ đã nhìn thấu cuộc sống sẽ không còn bỏ cả đời mình chỉ để toan tính giành giật cố tích góp cho mình thật nhiều vật chất, vì lúc này, thứ đó không còn là tài sản quý giá nhất với họ nữa.
Họ cũng không còn vì một bữa ăn để sống thêm một ngày mà làm tổn thương nhiều đến sự sống chung quanh. Họ bình thản tự tại đi qua những tĩnh lặng, đi qua những tật đố tị hiềm và những cuốn hút phù hoa như cánh chim bay qua giữa hư không. Rất nhẹ.”(2)
Có bao giờ người hỏi thứ gì là quan trọng nhất với mình hay chưa? Vật chất? Sức khỏe? Một người nào đó trong cuộc đời này? Hay những buổi sớm mai bình yên bình yên?
Trong cuộc sống, có cuộc hành trình rất dài mà ai cũng phải một lần đi qua, cuộc hành trình bên kia cánh cửa sinh tử, ở đó, họ chỉ mang theo được những gì đã gói ghém cất vào trong tim: trong tim của mình, trong tim của người, ở đó họ lại đối diện với chính mình của ngày hôm qua. Ở đó họ thấy lại ánh mắt ngày xưa đã nhìn từng cuộc sống, nghe hơi ấm trong lời nói chân thành ngày hôm qua, nghe hơi lạnh tỏa ra từ một lần vô cảm ngày trước, thấy mịt mù từ những nông nổi ngày xưa, nghe mùi hương rất nhẹ từ một lần tĩnh tâm dừng lại trong tiền kiếp. 
Hôm qua, hôm nay và ngày mai chưa bao giờ tách rời nhau ra như nhiều người vẫn nghĩ.
Mỗi ngày, ta cất lại điều gì trong tim mình? Ta để lại những gì trong tim người khác? Ta gởi lại điều gì trên những nơi đi qua? Ta đánh dấu một ngày đã sống bằng màu nào? 
Có những thứ cố giữ mãi rồi cũng mất, có những thứ chỉ một lần quay lưng đã không còn, có những điều cố gói ghém lại thật gọn cũng chẳng cách nào mang theo được, có những thứ chỉ để nhìn rồi quay đi.
Nhưng cũng có những điều, từ tiền kiếp vẫn còn theo chúng ta qua mọi con đường sinh tử sau này.
Có người đem hết nhung lụa đổi lấy tấm áo giải thoát hoại sắc nhẹ như mây, đem hết hương vị phù hoa trần tục nặng nề đổi lấy cho mình mùi trầm hương thanh thản trước Phật, có người đem từ tâm ra thương lượng với cuộc đời để xóa đi hết những tổn thương trong lòng, làm một cánh chim, ngược giông gió, ngược dòng người tấp nập, cũng đi qua chốn bụi hồng nhưng không để lại dấu chân mình trong đó.
Có như không.


Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 20.6.2016.


Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

"Này!"

Ngày xưa.
Có người tìm đến ngôi thất nhỏ nơi cuối thôn của một vị tu sĩ để học đạo. Hai thầy trò nói chuyện với nhau đến thật tối. Người trò về, Thầy tiễn trò ra cửa, và đưa cho người học trò một cây đuốc. Người trò đưa tay nhận cây đuốc, cúi đầu chào Thầy, rồi quay đi.
"Này!", người Thầy gọi.
Người học trò vừa quay nhìn lại, Thầy thổi "phụt" tắt ngọn đuốc.
Sau một phút yên lặng, trong bóng tối, có tiếng cười vang, tiếng cười sáng hơn ánh trăng, sáng hơn ngọn đuốc vừa tắt. 
Tiếng cười của người học trò, vui khi nhìn thấy một vầng trăng. Tiếng cười của người thầy, vui khi tặng được một vầng trăng.
Ngọn đuốc ấy mà, có lẽ ai cũng biết, phải tự mình thắp lên mà đi. Chỉ những ai biết cách thắp lên ngọn đuốc mới biết cách giữ ngọn đuốc cháy mãi đến cuối đường, con đường sinh tử dài. 
Người Thầy thổi tắt ngọn đuốc, để chỉ người học trò cách thắp lên ngọn đuốc.
Người Thầy thổi tắt ngọn đuốc, để thắp lên trong lòng người học trò một vầng trăng. 

Vô Thường
Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 15.6.2017.


Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Đại Dương Trong Vỏ Ốc

Với những đứa bé sinh ra trong ngôi làng duyên hải như Vô Thường đều biết nhặt những chiếc vỏ ốc trên bãi biển, áp vào tai để nghe tiếng đại dương.
Trong chiếc vỏ ốc bé tí, có tiếng sóng biển, có tiếng gió thổi qua rặng phi lao, có tiếng bước chân thủy triều lao xao trên cát, có tiếng chim biển văng vẳng mơ hồ.
Người ta nói, do cấu tạo của vỏ ốc, khi gió thổi qua, hiện tượng cộng âm tạo những âm thanh như là sóng biển, như tiếng gió ngang qua rặng phi lao.
Những đứa bé lớn lên trong ngôi làng ven biển ngày xưa chắc chắn sẽ lắc đầu chẳng tin, chúng được nghe người lớn kể lại không giống như vậy, và từ bé chúng cũng đã tin như vậy.

[Ngày xưa.
Những chú ốc biển chẳng giống bây giờ, chỉ vì rất thương biển nên chúng đã tìm cách làm lại chiếc vỏ của mình, sắp xếp lại ngôi nhà của chúng. Từ ngày ấy, trong lòng vỏ ốc chứa được cả đại dương. Từ ngày đó, dù đã chết, trong lòng chiếc vỏ ốc vẫn còn văng vẳng tiếng đại dương.] 

Người nói: "không phải thứ gì mình muốn giữ lại cuộc sống sẽ mỉm cười, đồng ý không cuốn đi".
Ta cũng đã từng nheo mắt cười: "mình sẽ giữ thứ này lại, giữ người kia lại"., nhưng rồi phải lặng nhìn cuộc sống cuốn họ đi.
Nhưng ta vẫn muốn kể người nghe câu chuyện những chú ốc bé tí đã tìm cách giữ lại đại dương trong lòng mình, câu chuyện mà những đứa bé trong ngôi làng duyên hải ngày xưa đã nghe qua một lần rồi tin, và những người lớn ngày xưa ở đó, đã kể câu chuyện này, cũng tin, mặc dù đã từng phải chứng kiến bao nhiêu phụ bạc, từng phải nhìn thấy biết bao người bỏ nhau mà đi.
Nghĩa là, nếu biết cách, sẽ giữ lại được.


Vô Thường
Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 14.6.2017.

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Thương

Lời Kinh trong lòng bàn tay:
"Hãy tự bảo vệ cuộc đời mình bằng chính tâm từ của mình. Hãy thuần hóa tâm mình, hãy thuyết phục tâm mình trở nên mạnh mẽ để làm nơi nương náu. Cố thuần hóa cho bằng được tâm mình như những thương khách tìm cách thuần hóa được lũ ngựa mà mang theo trong những chuyến hành xa”.(1)
Cuộc hành trình dài, người thương khách cần những con ngựa khoẻ đã được thuần hóa để chuyên chở hàng hóa nặng. 
Cuộc đời dài, cần trái tim mạnh mẽ để hóa giải những nặng nề mà cuộc sống chất lên vai mình, bình yên đi về; cần trái tim độ lượng để xoa cho nhau từng vết thương, lại mỉm cười. 
Lũ ngựa khoẻ có thể mua. Nhưng trái tim mạnh mẽ, ta làm sao mua, người làm sao bán? Trái tim độ lượng, người làm sao cho, ta làm sao nhận?
Cuối cùng, người bạn tốt nhất của mỗi người là trái tim mạnh mẽ của chính họ, và người bảo vệ ta nhiều nhất là trái tim độ lượng của chính mình. 
Mạnh mẽ, trước mắt sẽ phải đối mặt với nhiều việc, nhưng cuối cùng là đến đích. Độ lượng, trước mắt sẽ thiệt thòi nhiều, nhưng cuối cùng là bình yên.
Chỉ cần cuối cùng viên mãn.


Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 11.6.2017.
_____________________________
[1] Viết lại từ câu kinh Pháp Cú 380

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.


Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Cỏ Katthaka

Lời Kinh trong lòng bàn tay:
"Có những loại cỏ cây, như cỏ katthaka,(1) sau khi ra hoa lập tức lụi tàn, không thể sống để ra hoa thêm được lần nào nữa.
Có những con người cố hết sức để theo đuổi thú vui rất đáng sợ, khi vừa chạm vào được thú vui của mình, cuộc đời họ lập tức lụi tàn, những ngày còn lại không thể vui được nữa”.(2)
Có người theo đuổi những thú vui mà như đi gom củi khô để tự đốt mình.
Có những thú vui nguy hiểm như bờ vực thẳm, vừa bước chân đến, trước mặt đã là vực sâu.
Có những thú vui như trời chiều, vừa chạm chân đến, quay đi đâu cũng chỉ toàn bóng đêm.
Có thú vui như lửa, vừa chạm vào, cháy đen hết ngày mai.
Có thú vui như vật vay mượn, gom góp vay mượn hết niềm vui ngày mai của chính mình, mang về hiện tại, tiêu pha một lần hết sạch, rồi ngày mai chẳng còn gì vui.
Có thú vui như vạt cỏ lau ngoài bến sông, tháng Mười Một, chạm vào gió bấc, thu người lại, không lớn nữa, ra hoa, rồi lụi tàn, lặng cả khúc sông.


Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 8.6.2017.
_____________________________
[1] Cỏ katthaka: cỏ lau.
[1] Viết lại từ câu kinh Pháp Cú 164.

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Pháp Cú 174

Lời Kinh trong lòng bàn tay:
"Lũ chim khi thoát khỏi lưới giăng, phần nhiều chỉ quanh quẩn rồi trở lại khu rừng cũ, nơi từng có người giăng lưới bắt chúng.
Người đời phần nhiều cũng như vậy, vừa tạm thoát khỏi được khổ đau một lát người ta lại quay trở về nơi đã làm mình khổ đau”.(1)
Vừa thoát khỏi tổn thương lại quay trở về nơi đã làm tổn thương mình.
Vòng luân hồi của kiếp người, là câu chuyện của đôi chân không đi khỏi nơi đã làm mình khổ, bước đi rồi quay về, đi mãi không hết; là câu chuyện của đôi tay không buông bỏ được nỗi đau, buông xuống rồi nhặt lên, buông mãi không được; là câu chuyện của những trái tim cố xóa đi viết lại một nỗi buồn. 
Xóa mãi không phai.
Câu chuyện của những con người không nơi nương náu, đi mãi trong sương lạnh, hết ngày lại đêm. 
Trăm năm đi về trong sương lạnh.
Phải gánh chịu khổ đau lần thứ hai ở cùng một nơi, có nói gì đi nữa thì cũng là một sự chọn lựa của mình.


Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 1.6.2017.
_____________________________
[1] Viết lại từ câu kinh Pháp Cú 174

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.


Pháp Cú 389

Lời Kinh trong lòng bàn tay:
"Đừng nói những lời, đừng làm những việc để người phải tổn thương. Đừng mãi nuôi dưỡng oán hận trong lòng.
Kẻ làm người khác phải nhận lấy tổn thương rất đáng hổ thẹn. Kẻ mãi nuôi dưỡng oán hận trong lòng càng đáng hổ thẹn hơn”.(1)
Đáng hổ thẹn cho người chỉ biết xem thường kẻ khác. Nhưng đáng phải hổ thẹn hơn là người mãi tin mình cũng tầm thường như người ta nói.
Đáng hổ thẹn cho người vì muốn giành lấy một vị trí tốt cho mình mà xô ngã kẻ khác. Nhưng đáng hổ thẹn hơn là người bị ngã mãi không chịu đứng lên.
Đáng hổ thẹn cho người luôn mang đến những khó khăn cho kẻ khác. Nhưng đáng hổ thẹn hơn là người khi mới gặp khó khăn đã vội từ bỏ ước mơ của mình.
Đáng hổ thẹn cho người thường làm kẻ khác phải tổn thương. Nhưng đáng hổ thẹn hơn là người luôn tìm cách cất giữ những oán hận trong lòng sau mỗi lần đối mặt với tổn thương.
Kẻ mãi nuôi dưỡng oán hận trong lòng, như tự cắt vào da thịt mình rồi mong chờ người khác đau. 


Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 6.6.2017
_____________________________
[1] Viết lại từ câu kinh Pháp Cú 389
P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.


Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Pháp Cú 98

Lời Kinh trong lòng bàn tay:
"Dù giữa phố thị xôn xao hay giữa núi rừng tĩnh lặng, giữa cao nguyên bạt ngàn hay nơi hải đảo xa xôi; bất kỳ nơi nào có kẻ Mang Trong Mình Trái Tim Tinh Khiết Như Giọt Nước Đầu Nguồn sinh sống, ở đó luôn đầy những cảnh tượng bình yên".(1)
Rồi ai cũng có đôi lần, thực lòng, chỉ còn muốn những buổi sớm mai bình yên như cỏ dại, không muốn làm tổn thương đến người nào nữa. 
Bước chân nhẹ. 
Bàn tay ấm. 
Ánh mắt hiền. 
Trái tim bình yên.
Nhưng ai cũng có những ngày phải gói ghém ước mơ bình yên đó lại, cất thật sâu vào trong lòng, để đi qua phố chợ xôn xao, như lũ cỏ dại cuối mùa vùi những hạt giống vào đất chờ mưa.
Có người đánh rơi mất ước mơ trong trẻo ngày xưa của mình, thành người phố chợ đua tranh.
Như người đi trong sương, nghe vai lạnh, giật mình, ướt áo.
Áo ướt lúc nào không hay, thành người đua tranh lúc nào chẳng biết.
Nên đôi khi, người chúng ta nhớ nhất lại là chính mình trong trẻo của ngày xưa, ngày còn chưa đi qua phố chợ.
Nhưng, luôn có người đi qua cuộc sống như cơn mưa, đủ sức thuyết phục được những hạt giống đã khô vùi sâu trong mớ ngổn ngang đua tranh thức dậy nảy mầm. 
Có người đủ sức thuyết phục được người khác tin rằng, dù tâm hồn rách nát thế nào, họ vẫn có thể làm một người tử tế; dù có quay cuồng trong bao nhiêu giông gió, một ngày lòng họ cũng có thể bình yên.
Có người mà ánh mắt, nụ cười của họ đủ sức thuyết phục chúng ta bỏ qua những đua tranh để lại hiền như giọt nước nơi đầu nguồn.
Có bình yên đủ vững chãi để cho những bình yên khác tựa vào lớn lên…

Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 4.6.2017.
Om Mani Padme Hum
________________
[1] viết lại từ câu kinh Pháp Cú 98

P/s: này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật...